Y học Việt Nam đã "chạm tay" thế giới?

Dù đã “chạm tay” tới trình độ cao trong việc khám chữa bệnh theo y học hiện đại nhưng nền y, dược học Việt Nam vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng.

“Chạm tay” trình độ y học thế giới…

Thứ trưởng Bộ Y Tế Phạm Thị Kim Tiến cho biết, trong 5 năm qua chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” (KC.10/06-10) đã đưa được nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào khám chữa bệnh. Một số ứng dụng của đề tài đã chạm tay tới trình độ y học thế giới như ghép tạng, tế bào gốc.


Ca phẫu thuật ghép tim tại BV 103 thuộc Chương trình KC.10 (Ảnh: N.Hạnh).

Điển hình như dự án sản xuất panel hồng cầu đã tạo ra một cuộc cách mạng trong an toàn truyền máu trong nước. Sản phẩm này có tác dụng sàng lọc 8 nhóm máu và định danh 20 kháng nguyên đảm bảo an toàn truyền máu cũng như tránh được nguy hiểm cho người truyền máu nhiều lần.

Hàng năm, Việt Nam có hơn 4.000 bệnh nhân cần được can thiệp động mạch vành, nếu bệnh nhân muốn tiến hành làm kỹ thuật này đều phải ra nước ngoài điều trị với chi phí lên tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên đề tài khoa học “Nghiên cứu tình trạng tắc lại, tái hẹp động mạch vành sau can thiệp và các biện pháp để hạn chế” của GS. Phạm Gia Khải, chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam đã giúp bệnh nhân chỉ phải chi một khoản tiền là 50 triệu đồng để được điều trị trong nước.

GS. Phạm Gia Khải chia sẻ, nhờ thành công của đề tài đã tiết kiệm được 200 tỷ đồng.

Vẫn kiểu đầu tư nhỏ giọt…

GS. TS Phạm Gia Khánh chia sẻ, hiện nay cơ chế tài chính phân bổ cho nghiên cứu y, dược học như hiện nay là chưa hợp lý. Vì thế khó tránh khỏi trình trạng các đề tài, dự án không thể có chất lượng cao khi việc đầu tư không tương xứng.

Với mức kinh phí 110 tỷ đồng (1,2 triệu USD), tính trung bình các đề tài, dự án phải “chia nhau” khoảng 22 tỷ đồng/1 năm. Con số này không bằng 1% mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của một trường đại học trung bình của Hoa Kỳ.

Hơn nữa, các chủ trì đề tài phải được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đề tài có sự kiểm toán chi. Hiện nay, ở Việt Nam hầu như chưa có đơn vị nào cung cấp được đầy đủ các loại hóa chất khi gói thầu lên tới vài trăm triệu đồng.

Theo đó, việc bảo quản vật tư hóa chất cũng gặp khó khăn khi đấu thầu mua toàn bộ đề tài, dự án, không kể một số hóa chất hết hạn sử dụng khi thời gian lưu kho quá dài.

Do vậy, cần phải thay đổi cơ bản quy định về mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu theo hướng đơn giản và chủ động cho chủ trì đề tài, dự án.

Thứ trưởng Bộ Y tế, Bà Phạm Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những thành công đã đạt được thì nghiên cứu trong y, dược học trong 5 năm qua cũng còn nhiều điều phải bàn. Hàng năm có khoảng 10 ngàn người bị tai nạn giao thông và có hàng trăm người chết não, nhưng số người hiến và được ghép tạng mỗi năm còn ít.

Theo Thứ trưởng, việc nên thành lập một hội ghép tạng hoặc một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng ghép tạng hay hiệp hội ghép tạng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc phân bổ đề tài giữa các vùng, miền còn chưa hợp lý. Đa số các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước tập trung ở phía Bắc.

Đây là những vấn đề cần có sự điều chỉnh trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo để nghiên cứu y, dược học thực sự hoàn thành tốt trọng trách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân.

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.10/06-10 do Bộ trưởng Bộ KH-CN phê duyệt theo Quyết định 2028/QĐ-BKHCN ngày 13/9/2006. 5 năm qua, Chương trình đã thực hiện thành công các kỹ thuật ghép tạng và can thiệp mạch; nhiều kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh…

Chỉ tính riêng 3 đề tài và dự án: KC.10.13/06-10 (Chống tái hẹp động mạch vành sau can thiệp), KC.10.03/06-10 (Sản xuất vắc xin Rota dự phòng tiêu chảy cho trẻ em) và KC.10.DA.04//06-10 (Sản xuất thuốc tiêm đông khô Methylprednisolon natri succinat) đã làm lợi cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng mỗi năm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất