Ỷ lại vào Internet khiến chúng ta dần ngu ngốc?

Internet đang tác động theo những cách khác nhau đến não bộ con người.

Lược dịch bài viết của tác giả Nicolas Carr tờ The Atlantic về những ảnh hưởng của Internet ngày nay đến con người.

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến con người dần rời xa những quyển sách. Quá nhiều thứ lôi kéo sự tập trung của chúng ta. Việc đọc sâu, nghiền ngẫm giờ đây thực sự trở thành một cuộc đấu tranh tâm lý.

Thay vì mày mò hàng giờ liền trong thư viện, đọc qua hàng nghìn cuốn sách để tra cứu vài thông tin, ngay bây giờ, một cú click chuột vào Google đã giúp chúng ta truy cập khối cơ sở dữ liệu khổng lồ. Nhân loại sẵn sàng dành cả ngày để lướt web, nghe nhạc, podcast, xem tin tức, blog...

Chúng ta bị Internet lôi cuốn từ thứ này đến thứ khác. Mạng máy tính trở thành phương tiện đưa con người đến hầu hết thông tin, song cũng là nguyên nhân khiến sự suy ngẫm dần thuyên giảm.


Quá dễ dàng để tìm kiếm, truy cập thông tin khiến chúng ta dần từ bỏ thói quen suy ngẫm? (Ảnh: Buffer).

Đọc sâu, nghiền ngẫm dần xa xỉ

Các nghiên cứu khoa học phát hiện những người sử dụng web rất hay có hành động lướt qua, nhảy từ nguồn này sang nguồn khác và hiếm khi quay lại nguồn tin họ đã truy cập trước đó. Người dùng cũng đọc không quá một, hai trang của bài viết trước khi bất ngờ nhảy qua trang web khác. Đôi khi, họ lưu lại bài viết, nhưng rồi cũng không bao giờ quay lại và thực sự đọc nó.

Các bài viết nội dung càng ngắn, càng tóm tắt sẽ thu hút, được chọn đọc nhiều hơn. Giới tâm lý học lo lắng phong cách đọc được tạo ra bởi Internet đặt sự hiệu quả và tính trực tiếp lên trên tất cả, điều làm suy yếu khả năng đọc sâu.

Khả năng dịch văn bản, kết nối về mặt tâm lý hình thành khi đọc sâu và không bị phân tâm như trước đây, phần lớn đã bị thay thế trong thời đại ngày nay.

Chúng ta thường cho rằng mạng lưới dây thần kinh với các kết nối dày đặc được hình thành bằng hàng trăm tỷ tế bào bên trong hộp sọ, phần lớn sẽ không thay đổi khi đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, khả năng biến đổi của não bộ là vô hạn.

Các tế bào thần kinh thường xuyên phá vỡ kết nối cũ, hình thành kết nối mới. Bộ não có khả năng tự lập trình, hiệu chỉnh cách thức hoạt động sao cho phù hợp.

Từ lâu, Internet đã hứa hẹn mang lại những ảnh hưởng sâu rộng đến nhận thức con người. Trong bài báo xuất bản năm 1936, nhà toán học người Anh Alan Turing đã chứng minh một máy tính kỹ thuật số (thời điểm đó cỗ máy này chỉ mới xuất hiện trên lý thuyết) có thể được lập trình để thực hiện chức năng của bất kỳ thiết bị xử lý thông tin nào khác.


Bộ não con người là cỗ máy có khả năng tự lập trình, hiệu chỉnh cách thức hoạt động sao cho phù hợp. (Ảnh: Buffer).

Đó là những gì chúng ta thấy ngày nay. Internet - hệ thống máy tính cực kỳ mạnh mẽ đang dần thay thế hầu hết công nghệ trí tuệ của loài người: Bản đồ, đồng hồ, công cụ đánh máy, báo tin tức, máy tính, điện thoại, đài phát thanh và cả TV.

Sự tích hợp này khiến người dùng Internet dễ mất tập trung vì có quá nhiều thông báo xuất hiện tới tấp từ email, tin nhắn hay báo thức...

Chưa dừng lại đó, khi mọi người dần quen với sự “quá nhiều” của truyền thông Internet, các kênh truyền thông truyền thống phải thích nghi với những kỳ vọng mới của khán giả. Các chương trình truyền hình bắt đầu thêm phụ đề, bật quảng cáo, tạp chí cùng các loại báo rút ngắn, thêm phần giới thiệu tóm tắt bài viết của họ, thu hút người xem bằng các đoạn thông tin dễ tiếp nhận.

Dù những kênh truyền thông truyền thống không có quá nhiều sự lựa chọn, họ buộc phải đi theo các quy tắc truyền thông mới.

"Google cuối cùng sẽ là con người"

Chưa bao giờ có một hệ thống thông tin liên lạc đóng nhiều vai trò quan trọng trong cuộc sống như Internet ngày nay. Tuy nhiên, dựa trên tất cả những gì đã biết về Internet, chưa có quá nhiều cân nhắc về cách thức mà Internet đã “lập trình lại” chúng ta. Các chuẩn mực đạo đức trí tuệ về những gì mà Internet nói chung hay Google nói riêng đang thực hiện vẫn còn khá mơ hồ.

Sergey Brin và Larry Page, những người đã thành lập Google thường xuyên nói về mong muốn biến công cụ tìm kiếm của họ thành trí thông minh nhân tạo, công cụ có thể được kết nối trực tiếp đến bộ não con người.


Sẽ là tích cực hay thảm họa nếu trí tuệ nhân tạo thông minh hơn con người? (Ảnh: The Creatypost).

“Công cụ tìm kiếm cuối cùng sẽ là thứ gì đó thông minh như con người chúng ta, thậm chí thông minh hơn”, Larry Page phát biểu vài năm trước. Thực tế, Google đang nghiêm túc xây dựng và phát triển đế chế trí thông minh nhân tạo trên quy mô lớn.

Tham vọng như vậy là hiển nhiên, thậm chí rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, giả định cho rằng chúng ta ai ai cũng sẽ tốt lên nếu được hỗ trợ hoặc thậm chí “thay thế” bởi trí thông minh nhân tạo lại có vẻ đáng lo ngại.

Bên cạnh những thành tựu, với các hệ quả kể trên đây, có lẽ cần nghiêm túc xem xét rằng Google và thế giới Internet đã và đang làm gì với tâm trí chúng ta. Phải chăng, chính Internet đang dần xóa sạch đi trí thông minh thực hữu của nhân loại?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất