10 lý do khiến bạn "tự nhiên bị mệt" không phải do trầm cảm theo mùa
Có rất nhiều lý do khiến bạn tự nhiên bị mệt và cảm thấy không có năng lượng. Mùa thu đến tỷ lệ người mắc trầm cảm theo mùa cũng gia tăng kèm theo đó là tâm trạng luôn buồn vui vô cớ, cáu kỉnh hay buồn ngủ hơn. Nhưng việc mất năng lượng cũng có thể là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.
Những lý do khiến bạn mệt mỏi dù không phải là trầm cảm theo mùa
1. Bạn có đang tiêu thụ quá nhiều đường?
Các món ngọt dường như có tác dụng xoa dịu tâm trạng và khiến bạn cảm thấy "hạnh phúc và nhiều năng lượng" hơn khi mùa thu đến.
Thực tế là khi bạn tiêu thụ thực phẩm có đường hoặc nhiều carbs tinh chế (ví dụ: bánh mì trắng, mì ống, bánh ngọt), chúng thường khiến lượng đường trong máu tăng nhanh. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tràn đầy năng lượng và tỉnh táo ngay sau khi ăn. Tuy nhiên cảm giác đầy năng lượng này lại không kéo dài mà sẽ sụt giảm nhanh chóng. Chính sự sụt giảm đường máu nhanh chóng này khiến bạn cảm thấy mệt mỏi trở lại và cáu kỉnh hơn.
Điều quan trọng là nếu bạn muốn ăn đồ ngọt, hãy đảm bảo ăn chúng một cách hạn chế và cân bằng bữa ăn với carbohydrate giàu chất xơ, protein nạc và các chất béo lành mạnh khác.
Ăn quá nhiều đường gây ảnh hưởng không tốt tới đường huyết. (Ảnh: Internet).
2. Bạn tập thể dục không đủ
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng việc bạn tập thể dục không đủ có thể khiến bạn dễ dàng mệt mỏi. Nói cách khác, bạn càng đốt cháy nhiều năng lượng qua việc tập luyện thì cơ thể bạn càng có nhiều năng lượng để thực hiện các hoạt động khác trong ngày.
Hơn nữa việc tập thể dục thường xuyên cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm triệu chứng mất ngủ và tăng cường sự tập trung cũng như tỉnh táo vào ban ngày ở người trưởng thành.
Vì thế mà nếu cơ thể bạn trở nên lười biếng hơn với việc luyện tập ngoài trời thu se lạnh, bạn có thể cân nhắc tới các bài tập trong phòng tập hoặc trong nhà. Lựa chọn thời điểm tập luyện ngoài trời để tránh thay đổi thân nhiệt đột ngột, đặc biệt với người cao tuổi là một lưu ý quan trọng khi tập thể dục mùa thu.
Trong thời gian cảm thấy tự nhiên mệt mỏi, bạn hãy đứng dậy đi lại 5 phút (tốt hơn hết là ngoài trời) để giúp tăng nhịp tim và tạo thêm năng lượng hoạt động.
3. Bỏ bữa sáng
Thời tiết mùa thu lý tưởng cho những giấc ngủ nướng và thật không may thói quen này có thể khiến bạn bỏ qua bữa sáng. Chính việc bỏ bữa sáng cũng góp phần khiến bạn thiếu năng lượng vào buổi sáng. Hơn nữa, khi cơ thể quá đói vào buổi sáng, bạn sẽ dễ đưa ra những lựa chọn kém lành mạnh khiến lượng đường nhanh chóng sụt giảm vào giữa buổi chiều. Chu trình tăng/giảm năng lượng diễn ra liên tục sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi hơn.
Điều quan trọng là cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng tốt để bắt đầu ngày mới sau một đêm nhịn ăn.
4. Ngồi quá nhiều
Theo Everyday Health, ngồi trong thời gian dài không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn là cách "tiêu diệt" năng lượng cơ thể. Thay vào đó bạn nên đứng lên và di chuyển trong vài phút để máu dễ dàng lưu thông khắp cơ thể và tăng lượng oxy trong máu từ đó giúp cải thiện sự tỉnh táo, tâm trạng và tăng cường trí nhớ thay vì mệt mỏi.
5. Bạn có đang uống quá nhiều caffeine?
Nhiều người nghĩ rằng càng buồn ngủ mệt mỏi thì càng tiêu thụ thêm nhiều caffeine để tỉnh táo hơn. Nhưng, caffeine có thể khiến bạn tỉnh táo nhanh chóng nhưng lại có thể khiến bạn dễ dàng cảm thấy mệt mỏi sau đó, đặc biệt nếu bạn uống quá nhiều.
Hệ quả là bạn thấy mệt mỏi hơn, cáu kỉnh hơn và thậm chí là kém tập trung hơn. Hơn nữa, hãy cẩn thận với cách mà bạn nạp caffeine bởi ngày càng tiêu thụ nhiều caffeine sẽ dễ khiến bạn bị nghiện caffeine. Ngoài ra bạn cũng không nên uống caffeine vào buổi chiều hoặc tối nếu không muốn có một đêm khó ngủ.
Quá nhiều caffeine có thể gây nghiện. (Ảnh: Internet).
6. Mất nước
Thói quen uống ít nước hơn do cơ thể ít đổ mồ hôi hơn vào mùa thu cũng tăng nguy cơ mất nước hơn. Và có tới 62% các trường hợp này "phản ứng không thích hợp" với các tín hiệu đói và khát - nói cách khác, bạn khát và không đói nhưng bạn vẫn ăn.
Và ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể có tác động xấu đến mức năng lượng, tâm trạng và sự tập trung của bạn. Hãy đặt mục tiêu uống ít nhất một ly nước mỗi giờ khi ngồi ở bàn làm việc và nhớ uống nhiều nước hơn nữa nếu bạn làm việc vất vả hoặc các hoạt động đổ nhiều mồ hôi khác.
7. Dị ứng
Dị ứng theo mùa không còn quá xa lạ với những người bị viêm mũi dị ứng hay sốt cỏ khô với các triệu chứng điển hình như hắt hơi liên tục, chảy nước mắt hoặc nghẹt (ngạt) mũi. Ngoài những triệu chứng điển hình này thì các triệu chứng ít được biết đến chính là mệt mỏi và sụt giảm năng lượng.
Nguyên nhân được giải thích rằng là do cơ thể bạn đang hoạt động tích cực để chống lại các tác nhân gây dị ứng và điều này đòi hỏi cần thêm năng lượng.
Ngoài ra, không chỉ các tác nhân gây dị ứng mùa như phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc có thể khiến bạn mệt mỏi và thuốc dị ứng cũng có thể gây ra điều này như một trong các tác dụng phụ. Tùy thuộc vào thế hệ thuốc mà tình trạng mệt mỏi sẽ khác nhau.
Dị ứng mùa phổ biến với các triệu chứng chảy nước mắt, hắt hơi. (Ảnh: Internet).
8. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp có vai trò sản sinh ra các hormone điều chỉnh cách mà cơ thể bạn sử dụng năng lượng để hoạt động bình thường. Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone này - gọi là suy giáp - có thể gây rối loạn hoặc khiến nhiều chức năng cơ thể bị chậm lại. Nói cách khác, sự thiếu hụt này khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn.
9. Ung thư
Nếu cảm thấy tự nhiên mệt mỏi hơn bình thường thì nguyên nhân có thể liên quan tới ung thư - mặc dù điều này khá hiếm gặp.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), tình trạng mệt mỏi liên quan đến ung thư là cực kỳ phổ biến với thống kê ít nhất 80% số người được chẩn đoán mắc ung thư đều trải qua tình trạng mệt mỏi. Điều này có thể do các tế bào ung thư đang tấn công cơ thể, do tác dụng phụ của các biện pháp điều trị như hóa xạ trị ung thư..
Nhưng nhìn chung, khi cảm thấy tự nhiên mệt mỏi kèm theo các vấn đề như sụt cân bất thường, có sự thay đổi về tình trạng cơ thể như thay đổi núm vú, thay đổi giọng nói, thay đổi màu da màu mắt... bạn cần thăm khám sớm để loại trừ.
10. Thiếu vitamin B12
Nhận đủ vitamin B12 trong chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của sức khỏe não bộ, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Khi bạn già đi, khả năng hấp thụ vitamin B12 sẽ giảm xuống và mệt mỏi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin B12. Một vài loại thuốc cũng có thể khiến khả năng hấp thụ vitamin B12 bị cản trở như thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chữa hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn...
Nhận đủ vitamin B12 trong chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của sức khỏe não bộ, hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể. (Ảnh: Internet).
Ngoài tình trạng mệt mỏi thì người thiếu vitamin B12 có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm ngứa ran ở tay, chân, mất trí nhớ, chóng mặt, thị lực suy giảm...
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), trầm cảm có thể gây ra một loạt triệu chứng và giảm năng lượng hoặc mệt mỏi chắc chắn là một trong số đó.
Các dấu hiệu trầm cảm phổ biến bao gồm:
- Thường xuyên cảm thấy bồn chồn, lo lắng hoặc trống rỗng
- Cảm giác bi quan, tuyệt vọng
- Cáu kỉnh
- Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực
- Không còn hứng thú với những sở thích trước đó
- Cảm thấy không có năng lượng, mất năng lượng, mệt mỏi
- Nói chuyện chậm hơn, di chuyển chậm hơn
- Cảm giác không ngồi yên được một chỗ
- Khó tập trung, trí nhớ suy giảm, khó đưa ra quyết định
- Khó ngủ hoặc hay ngủ quên
- Thèm ăn nhiều hơn và/hoặc có thay đổi cân nặng
- Có ý nghĩ liên quan tới tự sát hoặc cái chết
- Đau đầu, chuột rút hoặc các vấn đề tiêu hóa không rõ nguyên nhân.
Lưu ý rằng, không phải ai bị trầm cảm cũng gặp phải mọi triệu chứng kể trên.
11. Khi nào cảm thấy tự nhiên mệt mỏi cần thăm khám bác sĩ?
Nếu thỉnh thoảng bị mệt mỏi thì có vẻ điều này không quá đáng lo ngại nhưng nếu bạn bị mệt mỏi mãn tính kéo dài kèm theo các ảnh hưởng tới việc sinh hoạt bình thường thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm.
Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm như kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu để tìm kiếm chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi của bạn là gì.
- Vì sao chúng ta dễ buồn chán vào cuối thu, đầu đông?
- 10 điều cần biết về chứng trầm cảm theo mùa
- Vạch trần hội chứng "tự kỷ mùa đông" khiến con người ủ dột