101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 3)
Bên trong trái đất nóng đến mức nào? Có phải toàn bộ trái đất xoay tròn theo một tốc độ? Nơi sâu nhất trong đại dương? Trái đất bao nhiêu tuổi?...Tất cả những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong phần 3 của 101 điều thú vị về trái đất.
Khám phá 101 điều thú vị bất ngờ về Trái đất
41. Vùng đất liền thấp nhất trên trái đất?
Bờ biển Chết, nằm giữa Israel và Jordan, nằm ở độ sâu 394 m dưới mực nước biển.
(Ảnh: plawner)
42. Hồ lớn nhất thế giới?
Cả về kích cỡ và dung lượng là Caspian Sea, nằm giữa đông nam châu Âu và tây Á. Diện tích mặt nước là 371.000 km² và thể tích 78.200 km³.
(Ảnh: veimages)
43. Nơi có nhiều động đất và phun trào núi lửa nhất trên trái đất?
Hầu hết xảy ra dọc theo ranh giới của hàng chục mảng thạch quyển khổng lồ trôi nổi trên bề mặt trái đất. Một trong những vành đĩa nơi động đất và phun trào núi lửa xảy ra nhiều nhất là quanh Thái Bình Dương, thường được gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương. Nó gây ra các vụ chấn động và nung nóng trải dài từ Nhật Bản tới Alaska và Nam Mỹ.
Vành đai lửa Thái Bình Dương (nét màu đỏ). (Ảnh: virgil)
44. Bên trong trái đất nóng đến mức nào?
Nhiệt độ của trái đất tăng 20 độ C cứ sau mỗi km tiến sâu vào trong. Gần trung tâm, nhiệt độ lên tới ít nhất 3.870 độ C.
45. Ba quốc gia có số núi lửa hoạt động lớn nhất trong lịch sử?
Indonesia, Nhật Bản và Mỹ, theo thứ tự giảm dần về mức độ hoạt động.
Núi lửa Merapi thuộc đảo Java - Indonesia. (Ảnh: gesource)
46. Có bao nhiêu người trên thế giới đối mặt với thảm họa từ núi lửa?
Vào năm 2000, các nhà khoa học đã ước tính núi lửa sẽ gây ra thảm họa rõ rệt cho ít nhất 500 triệu người, tương đương với dân số toàn thế giới vào đầu thế kỷ 17.
47. Nguồn nào chứa lượng nước ngọt lớn nhất toàn cầu: hồ, suối hoặc nước ngầm?
Nước ngầm chứa tới 30 lần lượng nước so với tất cả các hồ nước ngọt, và gấp 3.000 lần lượng nước ở sông, suối trên toàn cầu. Nước ngầm được chứa trong các tầng ngậm nước tự nhiên ở dưới mặt đất.
48. Vụ động đất nào lớn hơn, năm 1906 ở San Francisco hay 1964 ở Anchorage, Alaska?
Trận động đất ở Anchorage mạnh 9,2 độ richter, trong khi cơn địa chấn ở San Francisco có cường độ 7,8 richter. Ngày 18/4 vừa qua, để kỷ niệm 100 năm trận động đất lịch sử tại San Francisco, các nghiên cứu viên đã Tái hiện trận động đất ở San Francisco bằng máy tính
Trận động đất ở Anchorage - Alaska năm 1964. (Ảnh: campus-online)
49. Vụ động đất nào kinh hoàng hơn về số người thiệt mạng và tài sản: động đất năm 1906 ở San Francisco hay 1964 ở Anchorage?
Trận động đất ở San Francisco đứng đầu. Nó gây ra 700 cái chết so với 114 của trận động đất ở Anchorage. Thiệt hại về tài sản ở San Francisco cũng lớn hơn, do hoả hoạn đã phá huỷ hầu hết các công trình bằng gỗ thời đó.
Trận động đất ở San Francisco năm 1906. (Ảnh: stvincent)
50. Có phải nhân trái đất là rắn?
Phần bên trong nhân trái đất được coi là rắn. Nhưng phần bên ngoài của nhân lại tan chảy. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được hợp chất chính xác của nó.
Cấu tạo bên trong Trái đất. (Ảnh: NASA)
51. Có phải toàn bộ trái đất xoay tròn theo một tốc độ?
Phần lõi rắn bên trong - lượng sắt khổng lồ tương đương với kích cỡ của mặt trăng - xoay nhanh hơn phần bên ngoài của lõi sắt là chất lỏng.
52. Có bao nhiêu người chết vì núi lửa trong 500 năm qua?
Ít nhất là 300.000 người. Từ năm 1980 đến 1990, núi lửa đã làm thiệt mạng ít nhất 26.000 người.
53. Bao nhiêu bề mặt trái đất gồm đá núi lửa?
Các nhà khoa học ước tính hơn 3/4 bề mặt trái đất là đá núi lửa - đá phun trào từ núi lửa hay đá tan chảy dưới bề mặt trái đất.
54. Động đất có thể gây ra sóng thần?
Đúng, nếu trận động đất bắt nguồn từ dưới đáy biển. Gần tâm chấn, đáy biển dâng lên hạ xuống, đẩy nước lên xuống. Nhịp điệu này tạo ra làn sóng toả ra mọi hướng. Một cơn sóng thần có thể rất to nhưng khá thấp ở dưới nước sâu. Khi gần đến bờ nó vọt lên và có thể đạt tới chiều cao của các toà nhà cao tầng. Thiên thạch cũng có thể gây ra sóng thần.
(Ảnh: LiveScience)
55. Có phải sóng thần đều là những đợt sóng cao khi nó đổ vào bờ biển?
Không, ngược lại với hình ảnh nghệ thuật về sóng thần, hầu hết không tạo thành các làn sóng khổng lồ mà chúng giống như các đợt thuỷ triều nhanh và lớn.
Hình ảnh chụp được từ vệ tinh vụ sóng thần Kalutara, Sri Lanka. (Ảnh: LiveScience)
56. Bao nhiêu phần đất liền trên trái đất là sa mạc?
Khoảng 1/3.
Sa mạc Sahara. (Ảnh: saharamet)
57. Nơi sâu nhất trong đại dương?
Độ sâu lớn nhất là 11 km ở Rãnh Mariana, thuộc Thái Bình Dương, gần Nhật Bản.
Đảo Mariana. (Ảnh: gesource)
58. Tốc độ gió cao nhất thu được từ trước đến nay?
Trước đây người ta vẫn cho rằng gió thổi nhanh nhất là 372 km/giờ ở Mounth Washington, New Hampshire vào ngày 12/4/1934. Nhưng vào tháng 5/1999 ở Oklahoma, các nhà nghiên cứu thu được vận tốc gió là 513 km/giờ. Để so sánh, gió trên sao Hải vương có tốc độ 1.448 km/giờ.
Bản đồ về vận tốc gió tháng 05/1999 ở Oklahoma. (Ảnh: cimss.ssec)
59. Có bao nhiêu lượng nước ngọt được trữ trên trái đất?
Hơn 2 triệu dặm khối nước ngọt lưu trữ trên hành tinh, nửa trong số đó nằm trong khoảng 800 m trên bề mặt trái đất.
60. Trái đất bao nhiêu tuổi?
Hành tinh của chúng ta hơn 4,5 tỷ tuổi, trẻ hơn mặt trời một ít. Bằng chứng mới đây cho thấy trái đất thực ra hình thành sớm hơn rất nhiều, khoảng 10 triệu năm sau mặt trời.
(Ảnh: Nasa)
(Những câu trả lời trên do SPACE.com phối hợp với Tổ chức khảo sát địa chất Mỹ (USGS), cùng Hiệp hội khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, cung cấp).
- 101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 1)
- 101 điều thú vị về trái đất (Kỳ 2)