180 tấn chì của nhà thờ Đức Bà Paris sau hỏa hoạn đã bay đi đâu?
Lượng chì của phần nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy vào ngày 15/4/2019 lên đến 180 tấn. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy vết tích nào của kim loại này ngay sau trận hỏa hoạn. Vậy lượng chì này bay đi đâu?
Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công vào năm 1163, khi chì đang là một trong những vật liệu xây dựng phổ biến. Không kể các đường ống, chì còn được dùng để lợp mái và chóp tháp nhà thờ với 1.326 miếng dày 5mm, nặng 210 tấn.
Vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức bà Paris được coi là một thảm họa tồi tệ cho văn hóa nghệ thuật thế giới.
Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong hỏa hoạn.
Sau vụ cháy, 180 tấn chì biến mất không dấu vết nhưng mật của những con ong làm tổ trong nhà thờ hoặc vùng lân cận lại chứa rất nhiều chì.
Các nhà nghiên cứu của ĐH British Columbia (Canada), Viện Vật lý địa cầu Paris và Công ty Beeopic vừa công bố lời giải cho bí mật này trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters.
Bình thường, chì nóng chảy ở 327,50C. Đám cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris có nhiệt độ cao hơn nên đã chuyển chì kim loại thành khí dung ôxit chì và phân tán trong không khí theo gió.
Phân tích 36 mẫu thu thập vào tháng 7/2019 tại Paris và vùng phụ cận, các nhà khoa học nhận thấy có 0,08 microgam chì trong 1 gam mật ong ở những nơi cách nhà thờ Đức Bà Paris không quá 5km về hướng tây.
Trong khi ấy, hàm lượng chì trong 1 gam mật ong ở Paris trước vụ hỏa hoạn hoặc ở vùng phụ cận khác sau hỏa hoạn chỉ dao động từ 0,002 đến 0,009 microgam.
Tuy nhiên, hàm lượng chì này không gây nguy hiểm cho loài ong và vẫn nằm trong giới hạn an toàn của Liên minh châu Âu (không quá 0,1 microgam trong 1 gam sản phẩm). Như vậy, chì đã "bay" và phân tán trong không khí theo nghĩa đen.
- Thợ săn người ngoài hành tinh công bố tìm thấy người cao 20m ở Nam Cực?
- Bò rừng Kỷ Băng hà "sống dậy" sau 9.300 năm ngủ sâu dưới lớp băng vĩnh cửu
- Kinh ngạc thế giới loài người khác... bên dưới lâu đài trung cổ