29 người thiệt mạng trong mưa lũ dồn dập
Lũ lớn đổ xuống các tỉnh miền núi phía Bắc, trong khi một dải miền Trung ngập úng vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Hai ngày nay, miền Bắc và miền Trung mưa lớn do tác động của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh. Lượng mưa có nơi tới 400mm, gây ra lũ ở những vùng cao và ngập úng diện rộng ở đồng bằng.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn lúc 17h hôm qua, số người thiệt mạng đã lên đến 29, trong đó Thanh Hoá 8 người, Nghệ An và Hoà Bình mỗi tỉnh 6, Sơn La 5. Số người mất tích là 21, chủ yếu tập trung ở Yên Bái (9 người), Hoà Bình (5 người)...
Hàng chục thuỷ điện đồng loạt xả lũ, trong đó hồ thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy, nhiều nhất trong hơn 10 năm qua.
Cầu sập ở Yên Bái, một phóng viên bị lũ cuốn trôi
Hơn 12h trưa nay, sau tiếng động lớn, một mố cầu và hai nhịp cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32, thuộc thị xã Nghĩa Lộ, bị dòng lũ đỏ ngầu cuốn sập. Nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên.
Theo chia sẻ của đồng nghiệp, anh Đinh Hữu Dư (29 tuổi, quê Ninh Bình) cùng một phóng viên ảnh phân xã Yên Bái, tới ghi nhận tình hình lũ lụt tại cầu Ngòi Thia, bắc qua dòng suối Thia. Phóng viên ảnh đứng ở đầu cầu chụp, còn anh Dự đến giữa cầu, bất ngờ bị lũ cuốn cùng nhiều người khác.
Phóng viên Dư nằm trong số người mất tích. Ngoài ra, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh, địa phương còn có 3 người chết, hơn 730 ngôi nhà hư hỏng, hơn 2km kè thủy lợi sạt lở... do mưa lũ.
Cầu Ngòi Thia bị sập hai nhịp. (Ảnh: Báo Yên Bái).
Hiện lũ sông Thao lên nhanh, lúc 14h ngày 11/10 tại trạm Yên Bái là 32,2m, trên báo động 3 - mức nguy hiểm nhất là 0,2 m. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Thao tại Yên Bái khả năng vượt báo động 3 đến 0,8 m, sông suối nhỏ có thể xuất hiện lũ ống, lũ quét.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các lực lượng đã cứu nạn thành công 6 công nhân bị lũ cô lập. “Khoảng 5h ngày 11/10, 6 công nhân làm việc tại thủy điện Nậm Đông 3, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, nghe lũ ầm ầm đổ xuống vội chạy lên nóc nhà và gọi cứu nạn. Lực lượng chức năng đã sử dụng dây thừng đưa công nhân đến nơi an toàn”, đại diện EVN cho biết.
Đầu tháng 8, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) từng trải qua trận lũ ống làm 15 người chết.
Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp
Chỉ trong 36 tiếng từ tối 9/10 đến sáng 11/10, lượng mưa ghi nhận tại Mai Châu lên tới 420mm, Kim Bôi 350 mm, Đà Bắc 290mm, TP Hòa Bình 200mm... Mưa xối xả làm sạt lở nhiều quả đồi ở huyện Mai Châu, Đà Bắc. Nước sông suối dâng nhanh, tràn vào nhà dân hai bên, nhấn chìm nhiều tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc cho biết, đến 15h30 ngày 11/10 địa bàn có 7 người chết (chênh với số liệu của UBQG tìm kiếm cứu nạn một người), gồm một người ở xã Đồng Chum, 2 người ở Đồng Ruộng và 4 người ở Suối Nánh. Quốc lộ 21, tỉnh lộ 438, 433, 450 ngập sâu 1-2m, sạt lở ta luy dương gây tắc đường.
Thoát chết trong gang tấc, ông Bùi Văn Hoàng ở xóm Cây 3, xã Suối Nánh (Đà Bắc) kể, đêm qua khi thấy nước suối dâng cao và tràn vào nhà, ông hô hoán 11 người trong gia đình chạy lên đồi. "Khi mọi người vừa rời đi được vài phút, ngôi nhà bị lũ cuốn trôi", ông Hoàng kể.
Ngay trong sáng 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai, huy động tất cả lực lượng vào phòng chống lũ lụt.
Đoàn xe bị kẹt do sạt đường ở huyện Đà Bắc, Hòa Bình. (Ảnh: Việt Lâm).
Sơn La 5 người chết, 3 người mất tích
Theo thông tin ban đầu, mưa lũ hai ngày qua làm 5 người chết ở các xã Ngọc Chiến (Mường La) và xã Liên Hòa, Lóng Luông (Vân Hồ), Huy Hạ (Phù Yên); 3 người bị mất tích ở xã Song Khủa, Lóng Luông (Vân Hồ). Hơn 64 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều diện tích lúa bị ngập.
"10 năm qua chưa bao giờ lũ dồn dập thế này"
14h chiều nay, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường thông tin, trong 12 giờ tới miền Bắc tiếp tục mưa, trọng tâm là Hòa Bình, Thanh Hóa.
Với hồ Hòa Bình, lưu lượng nước về hồ có thể đạt đỉnh 17.000m3/s trong 6 giờ tới, sau đó giảm dần. Đầu giờ chiều, nhà máy thủy điện đã đóng một cửa xả đáy, hiện còn 7 cửa. Trong quá khứ Hòa Bình từng 3 lần mở cửa xả đáy vào các năm 1996, 1998 và 1999; một lần mở 8 cửa xả vào tháng 8/1996.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Bắc Bộ và Trung Bộ đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn, bất thường. “Lịch sử 10 năm qua chưa bao giờ có mưa lũ dồn dập như hiện nay. Lần đầu tiên cơ quan chức năng phải vận hành quy trình cùng lúc mở 8 cửa xả đáy ở thủy điện Hòa Bình”, ông Cường nói.
Lo ngại trước việc trên 1.000 hồ lớn, nhỏ cơ bản đã đầy nước, trong đó trên 20% hồ, đập có biểu hiện tràn, Bộ trưởng Cường đề nghị Bộ Công thương có phương án phối hợp đảm bảo an toàn cho 31 hồ thủy điện. “Một tổ công tác đã được lập trên thủy điện Hoà Bình để đảm bảo an toàn cao nhất cho công trình, vùng hạ du và an toàn nguồn nước”, ông Cường thông tin.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung tìm kiếm người mất tích, tổ chức hỗ trợ người dân và gia đình có người bị nạn. Các đơn vị cần đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt chú ý đến hồ xung yếu; khắc phục và thông tuyến đường sắt, đường bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh, từ ngày 10/11, Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa. Riêng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Trước đó, Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ trải qua đợt mưa do áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng 10/10, áp thấp đổ bộ Hà Tĩnh - Quảng Bình làm 12 người chết, 3 người mất tích, chủ yếu ở Nghệ An, Thanh Hóa.