4 vụ mất tích bí ẩn của máy bay, tàu chiến Mỹ tại tam giác quỷ Bermuda
Nhiều vụ mất tích của khí tài quân sự Mỹ trên tam giác quỷ Bermuda trong 100 năm qua vẫn chưa có lời giải.
Tam giác quỷ Bermuda là khu vực địa lý nằm giữa bang Florida, Mỹ, đảo Puerto Rico và quốc đảo Bermuda. Trong 100 năm qua, đây là nơi xảy ra nhiều vụ mất tích bí ẩn, trong đó không ít lần phương tiện, khí tài quân sự Mỹ cũng chịu chung số phận, theo WATM.
Vị trí tam giác quỷ Bermuda. (Đồ họa: Big Think).
Tàu tiếp liệu USS Cyclops
USS Cyclops là tàu tiếp liệu lớn nhất hải quân Mỹ, được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 4/3/1918 khi đang trên đường từ Brazil đến thành phố Baltimore, Mỹ. Con tàu chở theo 10.800 tấn quặng mangan để sản xuất đạn.
Tuy nhiên, USS Cyclops không bao giờ tới được Baltimore và biến mất cùng hơn 300 thành viên thủy thủ đoàn khi đi qua vùng biển Bermuda.
Tàu tiếp liệu USS Cyclops. (Ảnh: Wikipedia).
Nhiều chiến dịch tìm kiếm không mang lại kết quả, khiến hải quân Mỹ không thể xác định nguyên nhân dẫn tới vụ mất tích. Điều lạ lùng là tàu không phát tín hiệu cấp cứu, thủy thủ đoàn cũng không trả lời tín hiệu vô tuyến từ hàng trăm tàu Mỹ trong khu vực.
Vào thời điểm USS Cyclops mất tích, khu vực Bermuda không có bão đủ mạnh để đánh đắm tàu, hải quân Mỹ cũng bác bỏ giả thuyết nó bị tàu ngầm Đức tấn công.
Đây là tai nạn ngoài chiến đấu thảm khốc nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, với 306 thủy thủ và sĩ quan được cho là đã tử nạn.
Tàu USS Proteus và USS Nereus
Tới năm 1941, USS Proteus và USS Nereus, hai tàu cùng lớp với USS Cyclops, cũng chịu chung số phận. Chúng mất tích bí ẩn sau khi rời quần đảo Virgin, trên hành trình chở quặng bauxite để chế tạo nhôm cho máy bay Đồng minh.
Giả thuyết ban đầu cho rằng chúng bị tàu ngầm Đức tập kích bất ngờ, nhưng Berlin chưa bao giờ nhận trách nhiệm hay thừa nhận sự hiện diện của tàu ngầm nước này trong khu vực Bermuda.
Nghiên cứu của chuẩn đô đốc George van Deurs cho rằng than axit trên hai tàu đã ăn mòn các thanh dầm chịu lực, khiến chúng dễ gãy hơn khi phải chịu lực. Thảm họa xảy ra khi khung thân hai tàu bị gãy, khiến chúng chìm nhanh chóng mà không kịp phát tín hiệu cấp cứu.
Phi đội số 19
Vụ việc nổi tiếng nhất được Lầu Năm Góc ghi nhận là vụ mất tích của Phi đội số 19 thuộc hải quân Mỹ. Ngày 5/12/1945, 14 phi công trên 5 oanh tạc cơ ngư lôi TBM Avenger cất cánh từ căn cứ không quân hải quân Lauderdale, bang Florida để tham gia diễn tập.
Sau khi hoàn thành nội dung diễn tập và bay trở về căn cứ qua khu vực Bermuda, một phi công phát tín hiệu cấp cứu, thông báo họ không thể xác định phương hướng và mọi thứ trông rất khác thường, kể cả đại dương. Sau đó, phi đội trưởng Charles Taylor gửi thông điệp cho biết phi đội hoàn toàn mất phương hướng, nhận định họ đang cách căn cứ 360 km về phía tây bắc.
Oanh tạc cơ TBM cùng loại với máy bay mất tích thuộc Phi đội số 19. (Ảnh: Wikipedia).
4 tiếng sau khi Phi đội số 19 xuất phát, căn cứ Lauderdale nhận được thông điệp cuối cùng của Taylor tới các máy bay khác, yêu cầu họ giữ đội hình sát nhau và sẵn sàng hạ cánh xuống biển khi hết nhiên liệu.
Sau khi xác nhận Phi đội số 19 mất tích, hải quân Mỹ triển khai lực lượng tìm kiếm cứu hộ trên không và trên biển. Một thủy phi cơ PBM Mariner mang theo 13 người cũng mất tích trong chiến dịch cứu hộ này. Báo cáo nhận định một vụ nổ đã xảy ra trên chiếc PBM, khiến nó đâm thẳng xuống biển.
Kết luận điều tra của hải quân Mỹ đưa ra một số kịch bản dẫn tới vụ mất tích của Phi đội số 19, nhưng không thể xác định nguyên nhân thực sự gây ra tai nạn.
Vận tải cơ C-119G
Ngày 5/6/1965, vận tải cơ C-119G chở theo 5 thành viên tổ lái và 4 thợ máy rời căn cứ không quân Homestead, thực hiện hành trình tới đảo Grand Turk để sửa chữa một chiếc C-119G khác bị hỏng. Lần liên lạc vô tuyến cuối cùng được thực hiện khi máy bay ở ngoài khơi đảo Crooked, cách điểm đến 285 km. Không ai biết chiếc C-119G rơi ở đâu, cũng như nguyên nhân dẫn tới vụ mất tích.
Tới ngày 18/7, mảnh vỡ máy bay dạt vào bãi cạn Gold Rock ngoài khơi đảo Acklins thuộc quần đảo Bahamas, gần nơi tổ lái phát tín hiệu liên lạc cuối cùng.