6 hiện tượng bí ẩn dù khoa học phát triển bấy lâu nay mà vẫn chưa giải đáp được
Trong năm tới khoa học liệu có giải quyết được chúng không nhỉ?
Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, loài người đang từng bước giải quyết những bí ẩn tồn tại từ lâu. Chúng ta giải mã được bí ẩn về quái vật hồ Lochness, tiếng rên rỉ "The Hum" dưới lòng đất, thậm chí là cả nguồn gốc của các kim tự tháp Ai Cập ngày xưa.
Nhưng thực ra vẫn còn đó rất nhiều bí ẩn mà khoa học vẫn chưa thể trả lời được, bao gồm cả những sự vật ngay bên cạnh chúng ta. Tất cả mới chỉ dừng ở mức giả thuyết mà thôi.
1. Đến giờ này khoa học vẫn không biết tại sao chúng ta ngáp
Ai cũng từng ngáp, thậm chí là ngáp hàng ngày.
Ai cũng từng ngáp, thậm chí là ngáp hàng ngày. Quái lạ ở chỗ, khoa học đến giờ này vẫn không giải thích được tại sao.
Tất cả các lời giải đưa ra mới chỉ dừng ở mức giả thuyết. Chẳng hạn như nghiên cứu của ĐH Binghamton (Mỹ) năm 2011 cho biết ngáp là cơ chế điều hòa thân nhiệt, cho phép não bộ giảm tải nhiệt độ. Có điều, mục đích sinh học thực sự của ngáp thì chưa ai biết.
Ngoài ra ngáp còn có tính lây lan, và điều này khoa học cũng chưa hiểu tại sao.
2. Loại nấm chỉ mọc được ở 2 nơi trên thế giới
Nấm Chorioactis geaster.
Cây nấm kỳ lạ trong hình có tên gọi Chorioactis geaster, và nó chỉ có thể mọc được ở Texas (Mỹ) và Nhật Bản. Nó đặc biệt, nhưng khoa học không thể giải thích được cơ chế này.
Cả 2 địa điểm trên đều thuộc cùng 1 vĩ độ, nhưng điều này chưa đủ để giải thích vì sao chúng chỉ mọc cố định ở 2 địa điểm, mà không ở nơi khác.
Theo một nghiên cứu vào năm 2014 của ĐH Harvard, loài nấm này đã tách ra làm 2 quần thể từ 19 triệu năm trước.
3. Bí ẩn về lối sống của cá voi lưng gù
Cá voi lưng gù đột nhiên chuyển sang sống theo bầy đàn khiến các nhà khoa học không giải thích được.
Cá voi lưng gù đã từng rất cô độc. Chúng sống một mình, tung hoành khắp đại dương. Nhưng rồi đến một ngày gần đây, chúng đột nhiên chuyển sang sống theo bầy, thành một đại gia đình không ai dám động đến.
Và khoa học thì đến giờ vẫn chưa thể giải thích được.
Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Pretoria phát hiện ra những con cá goi lưng gù tại biển Nam Phi bỗng chuyển sang săn mồi theo bầy từ 20 - 200 con trong vài năm vừa qua. Tuy chưa thể khẳng định, nhưng một số chuyên gia cho rằng có thể lý do là vì số lượng cá voi đã tăng lên, nên chúng buộc phải săn theo đàn.
4. Khu rừng nhảy múa tại Nga
Các thân cây trong rừng không thể mọc thẳng được, mà thành những hình thù uốn éo.
Tại Nga, cụ thể là vùng Kaliningrad có một khu rừng hết sức quái đản mang tên "Rừng nhảy múa". Chẳng vì lý do gì nhưng các thân cây trong rừng không thể mọc thẳng được, mà thành những hình thù uốn éo, trông như đang nhảy múa thực sự vậy.
Rừng cây này được trồng vào thập niên 1960. Nhưng vấn đề là người ta chỉ trồng mà chẳng làm gì cả, còn thân hình của cây thì tự nhiên thế. Có nhiều giả thuyết được đặt ra, bao gồm gió mạnh, đất xốp, ảnh hưởng của sâu bướm... nhưng đều chưa thực sự đáng tin cậy.
Một số người địa phương còn gọi đây là "Rừng say rượu".
5. Tiếng rên của mèo
Cơ chế tạo nên tiếng rên "rừ rừ" đặc trưng của mèo đã là một bí ẩn.
Trong một thời gian dài, cơ chế tạo nên tiếng rên "rừ rừ" đặc trưng của mèo đã là một bí ẩn. Nhưng rồi khoa học cũng tìm ra bí ẩn ấy - đó là một nhóm cơ phía trong cổ họng mèo, tạo ra độ rung nhất định.
Tuy nhiên, lý do vì sao chúng lại rên thì vẫn là bí ẩn. Giả thuyết được đặt ra là tiếng rên ấy sẽ giúp xương mọc nhanh hơn, cứng cáp hơn trước áp lực, thậm chí là cải thiện khả năng hồi phục của người nghe. Nhưng như đã nêu, đó chỉ là giả thuyết thôi.
6. Chiếc hố bí ẩn tại Siberia
Chẳng ai biết cái hố này từ đâu ra cả.
Cái miệng hố này có tên là Patom, và là một bí ẩn đối với người dân Siberia. Vài người bản địa gọi nó là "Tổ Đại bàng lửa", ví nó với tử thần vì xung quanh không có thực vật cũng chẳng có thú hoang bén mảng đến.
Patom được Vadim Kolpakov - nhà địa chất học người Nga chính thức công bố vào năm 1949, nhưng thực chất đã có niên đại từ hơn 500 năm trươc rồi. Có điều, chẳng ai biết cái hố này từ đâu ra cả.