Ấn Độ đưa vào sử dụng vaccine ngừa Covid-19 công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới
Chính quyền thành phố Patna, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ đã tiến hành tiêm phòng Covid-19 cho người dân bằng vaccine công nghệ DNA có tên gọi ZyCov-D.
ZyCov-D là loại vaccine DNA plasmid đầu tiên trên thế giới, được nhà sản xuất vaccine Zydus Cadila có trụ sở tại Ahmedabad, Ấn Độ sản xuất.
Chính quyền thành phố Patna, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 ZyCov-D cho người dân. (Nguồn: ANI)
Vào đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ZyCov-D. Thông qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng, vaccine đạt hiệu quả khoảng 66% đối với các trường hợp có triệu chứng.
Không giống như hầu hết các loại vaccine Covid-19 khác, ZyCoV-D được triển khai với 3 liều tiêm, với khoảng cách tương ứng là 28 và 56 ngày so với liều đầu tiên. Đặc biệt, loại vaccine này không sử dụng kim tiêm. Các bác sĩ sử dụng một thiết bị đẩy dòng chất lỏng áp suất cao để đưa vaccine vào cơ thể qua bề mặt da.
Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng loại vaccine này cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Vaccine của hãng Zydus Cadila là loại vaccine thứ hai do Ấn Độ nghiên cứu và sản xuất được cấp phép sử dụng ở nước này, sau vaccine Covaxin của Công ty Dược phẩm Bharat Biotech.
Các nhà chức trách Ấn Độ đang tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho người dân kéo dài 1 năm qua. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, hơn 93% dân số trưởng thành nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi hơn 69,8% đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi Covid-19 trên toàn quốc đã được cải thiện lên khoảng 95%.
- Di chứng tim mạch hậu Covid-19 nguy hiểm thế nào?
- Tại sao khi hổ xuống núi, chó lại là loài mà chúng "thăm hỏi" đầu tiên?
- Người phụ nữ bắt gặp loài hoa cực lạ mọc dại ven đường, tiết lộ chuyện 1 năm chỉ nở đúng 2 lần?