Di chứng tim mạch hậu Covid-19 nguy hiểm thế nào?
Biến chứng Covid-19 lên tim và mạch máu có thể khiến người bệnh tử vong nếu cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi.
Bác sĩ Phan Thái Hảo (Trưởng khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM) cho biết đến nay thế giới ghi nhận hơn 200 di chứng hậu Covid-19 trên nhiều hệ cơ quan của cơ thể. Di chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh, tâm lý là phổ biến nhất, trong đó di chứng tim mạch được đánh giá nghiêm trọng hơn cả nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Những di chứng này có thể xuất hiện từ khi F0 đang trong giai đoạn dương tính nCoV, kéo dài vài tuần hoặc nhiều tháng sau khi người bệnh đã "sạch" virus. Những tổn thương này ban đầu có thể không biểu hiện rõ rệt nhưng sẽ diễn tiến nặng dần thành bệnh lý tim mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phước (khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP HCM), cơ chế gây tổn thương của Covid-19 như sau: virus sau khi vào cơ thể sẽ gắn với thụ thể ACE2 để xâm nhập vào tế bào. Thụ thể ACE2 có nhiều nhất ở tế bào nội mô hô hấp, cơ tim và nội mô mạch máu.
Tế bào hô hấp bị tổn thương sẽ gây suy hô hấp, có thể diễn tiến đến hội chứng nguy ngập hô hấp cấp tính (ARDS). Tổn thương tế bào cơ tim có thể gây tổn thương cơ tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Đặc biệt, khi virus xâm nhập tế bào nội mô mạch máu sẽ thu hút bạch cầu, kích hoạt quá trình viêm, giải phóng cytokine và các chất hoạt mạch. Tế bào nội mô bị phá hủy sẽ lộ lớp biểu mô dưới niêm mạc, gây thoát mạch và khởi động con đường đông máu. Chính vì mạch máu có ở hầu hết cơ quan trong cơ thể nên tổn thương do Covid-19 là tổn thương đa cơ quanvới nhiều triệu chứng.
Các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. (Ảnh: Shutterstock)
Các biến chứng ở tim mạch gồm hai nhóm trên tim và trên mạch máu. Cụ thể, di chứng ở tim như nhồi máu cơ tim (do mất cân bằng cung-cầu máu, huyết khối mạch vành); suy tim (gặp sau cơn nhồi máu cơ tim, trong bối cảnh bệnh nhân sốc nhiễm trùng hoặc ARDS); viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (virus tấn công trực tiếp vào tế bào cơ tim), vi huyết khối; hội chứng Takotsubo do stress (bệnh lý cơ tim).
Bên cạnh đó, rối loạn nhịp tim cũng thường gặp do tổn thương cơ tim, giảm oxy máu, rối loạn điện giải. Biểu hiện thường gặp là nhịp nhanh xoang, rung nhĩ, nhịp chậm...
Di chứng trên mạch máu phổ biến nhất là tăng đông máu gây cục huyết khối làm thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, nhồi máu não gây đột quỵ. "Những di chứng này rất nghiêm trọng, có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức", bác sĩ Phước nói.
Phân tích kỹ hơn về biến chứng đông máu hậu Covid-19, bác sĩ Hảo cho hay có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, Covid-19 gây viêm các thành mạch máu, làm rối loạn đông máu, khiến máu cô đặc hơn bình thường. Thứ hai, những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải nằm lâu ngày, đã lớn tuổi, có sẵn bệnh lý nền mạn tính (ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh phổi mạn tính...) ít vận động dễ khiến máu bị lắng đọng.
Thứ ba, hiếm gặp hơn là người có cơ địa đặc biệt, bị thiếu một hoặc nhiều chất ức chế tình trạng đông máu tự nhiên (như protein C, protein S, antithrombin III , yếu tố V Leyden...). Mới đây, bác sĩ Hảo đã điều trị một thai phụ bị đột quỵ nhồi máu não có nguyên nhân kép, vừa do biến chứng tăng đông máu hậu Covid-19, vừa thiếu protein S. Dù đã vượt qua giai đoạn cấp, bệnh nhân vẫn phải duy trì dùng thuốc kháng đông thời gian dài, tránh nguy cơ tái đột quỵ.
Mô phỏng thuyên tắc tĩnh mạch chân do cục máu đông. (Ảnh: Amar Health)
Thực tế, tại TP HCM nhiều F0 khỏi bệnh vài tháng phải tái khám, thậm chí tái nhập viện vì di chứng tim mạch. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua có khoảng 5-10% bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 có di chứng đông máu. Mỗi ngày phòng khám di chứng tim mạch hậu Covid-19 Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tiếp nhận 3-5 trường hợp tương tự.
Một nghiên cứu của Mỹ đăng trên Nature hồi tháng 10/2021, khi so sánh nguy cơ biến chứng tim mạch ở hơn 151.000 cựu chiến binh sống sót sau nhiễm nCoV với 3,6 triệu đồng nghiệp không mắc bệnh, ghi nhận tỷ lệ người nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc biến chứng tim mạch trong 12 tháng đầu khỏi Covid-19 tăng lên.
Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 không nhập viện có nguy cơ suy tim cao hơn 39%, nguy cơ hình thành cục máu đông làm thuyên tắc phổi tăng 2,2 lần trong năm tiếp theo - so với người không mắc bệnh. Như vậy, thế giới có thể ghi nhận thêm 5,8 ca suy tim và 2,8 ca thuyên tắc phổi trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 không nhập viện. Ở nhóm người nhập viện vì Covid-19 có tỷ lệ ngừng tim cao gấp 5,8 lần, nguy cơ viêm tim hoặc viêm cơ tim cao gấp 14 lần. Ở bệnh nhân vào khu hồi sức tích cực, các con số cao hơn đáng kể. Gần một trong bảy người mắc một dạng bệnh tim nghiêm trọng trong vòng một năm sau khỏi Covid-19.
Để tránh các di chứng Covid-19 trở nặng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh bị đau ngực, khó thở, đánh trống ngực, phù chân, khó thở, đau đầu... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi phát hiện nguy cơ, dấu hiệu tăng đông máu, các bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm công thức máu, D-Dimer (huyết khối trong máu), siêu âm mạch máu... để quyết định sử dụng kháng đông phù hợp. Thông thường bác sĩ sẽ kê thuốc chống đông 5-10 ngày, nếu D-Dimer vẫn cao, người bệnh sẽ uống thuốc kháng đông trong một tháng để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ đông máu.
Hiện nhiều bệnh viện tại TP HCM như Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, Thống Nhất, Chợ Rẫy, Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã mở phòng, khoa khám chuyên khoa hậu Covid-19 hoặc các gói khám hậu Covid-19 cho người dân.