Ấn Độ và kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ bay quanh Mặt trăng
Việc xây dựng trạm vũ trụ Mặt trăng dường như là giai đoạn thứ 3, và cũng là giai đoạn cuối cùng trong chiến dịch thám hiểm Mặt trăng của Ấn Độ.
Theo Space, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang có kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ bay quanh Mặt trăng vào năm 2040. Đây là một phần trong lộ trình đầy tham vọng nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài của quốc gia tỷ dân ngoài quỹ đạo Trái đất.
Mô phỏng trạm vũ trụ Bharatiya Antariksh do Ấn Độ xây dựng (Ảnh: ISRO).
Theo truyền thông địa phương, trạm này sẽ có tên Bharatiya Antariksh, viết tắt là BAS. Việc phát triển module đầu tiên của trạm, BAS 1, đã được chính phủ Ấn Độ "bật đèn xanh" vào tháng 9.
Các quan chức cho biết module đầu tiên sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất thấp vào năm 2028 và toàn bộ trạm sẽ hoạt động vào năm 2035.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, "tiền đồn" này sẽ hỗ trợ các sứ mệnh có người lái lên bề mặt Mặt trăng và đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, trạm vũ trụ Mặt trăng của Ấn Độ sẽ được hoàn thành vào cùng thời điểm các phi hành gia của quốc gia này hạ cánh trên Mặt trăng, với việc xây dựng một căn cứ cố định trên bề mặt Mặt trăng trước năm 2050.
Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cùng có kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt trăng (Ảnh minh họa: NASA).
Theo India Today, việc xây dựng trạm vũ trụ Mặt trăng dường như là giai đoạn thứ 3, và cũng là giai đoạn cuối cùng trong chiến dịch thám hiểm Mặt trăng của Ấn Độ.
Theo đó, giai đoạn đầu tiên bao gồm việc thực hiện các nhiệm vụ hạ cánh robot lên Mặt trăng bằng công nghệ tự phát triển, được cụ thể hóa bằng nhiệm vụ Chandrayaan 4.
Dự kiến triển khai vào năm 2028, sứ mệnh này nhằm mục đích thu thập khoảng 3 kg mẫu đất đá từ một khu vực gần cực nam của Mặt trăng và chuyển chúng về Trái đất.
Giai đoạn thứ hai hướng đến mục tiêu hạ cánh có người lái lên Mặt trăng vào năm 2040, và tiếp theo là xây dựng trạm quỹ đạo Mặt trăng.
Ngoài việc tiếp nhận các phi hành gia, trạm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học và là căn cứ cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.
Tham vọng chinh phục Mặt trăng và các mục tiêu xa hơn của Ấn Độ được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi sứ mệnh Chandrayaan 3 lịch sử, thực hiện vào tháng 8/2023.
Tại sứ mệnh này, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh tàu vũ trụ lên Mặt trăng.
Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, Ấn Độ sẽ hướng tới các mục tiêu mới và đầy tham vọng, bao gồm chuyến bay có người lái lên Mặt trăng vào năm 2035, tiếp theo là sứ mệnh hạ cánh có người lái diễn ra vào 5 năm sau đó.
- Những nguy cơ mà Einstein, Hawking và NASA dự báo về ngày tận thế đều đang hiện hữu
- Có rất nhiều động vật hoang dã ở thảo nguyên châu Phi, tại sao người dân bản địa chưa bao giờ thuần hóa chúng?
- Bản đồ thế giới 250 triệu năm nữa trông sẽ như thế nào?