Argentina phát hiện hóa thạch loài khủng long ăn cỏ cách đây 90 triệu năm
Loài khủng long mới này là loài động vật ăn cỏ hai chân, đặc điểm quan trọng nhất là chiếc đuôi có độ cong hướng xuống không giống như các loài khủng long khác là đuôi nằm ngang.
Các nhà cổ sinh vật học Argentina cho biết đã phát hiện hóa thạch của loài khủng long ăn cỏ cỡ trung mới có khả năng chạy nhanh và sống cách đây khoảng 90 triệu năm ở kỷ Phấn Trắng và ngày nay là khu vực Patagonia nằm ở Argentina và Chile.
Hóa thạch khủng long Chakisaurus nekul. (Nguồn: GMA Network).
Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Địa lý quốc gia, các nhà cổ sinh vật học Argentina đã thực hiện nghiên cứu trên từ năm 2018 nhưng mới công bố gần đây trên tạp chí Cretaceous Research.
Theo kết quả nghiên cứu, loài khủng long này tên là Chakisaurus nekul với con lớn nhất có chiều dài ước tính từ 2,5-3 mét và cao 70cm.
Các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pueblo Blanco ở tỉnh Río Negro, miền Nam Argentina, khu vực có rất nhiều hóa thạch của các loài động vật có vú, rùa và cá cùng với các loài khủng long khác đã được tìm thấy.
Theo các nhà cổ sinh vật học, phát hiện mới cho thấy đây là loài khủng long có khả năng chạy nhanh và đuôi có hình dáng cong xuống.
Tác giả của nghiên cứu Rodrigo Álvarez cho biết loài khủng long mới này là loài động vật ăn cỏ hai chân, đặc điểm quan trọng nhất là chiếc đuôi có độ cong hướng xuống không giống như các loài khủng long khác là đuôi nằm ngang.
Chuyên gia khẳng định đây là phát hiện rất mới đối với loài động vật này. Ngoài ra, Chakisaurus nekul còn chạy rất nhanh, đặc tính mà loài động vật này cần để có thể tự vệ và sống sót giữa các loài động vật ăn thịt.
Đồng tác giả nghiên cứu Sebastián Rozadilla cho biết thêm Chakisaurus nekul có các chi sau rất khỏe và chiếc đuôi có thể chuyển động sang hai bên và do đó có thể giữ thăng bằng trong các cuộc rượt đuổi.
- Thánh địa khủng long lớn nhất thế giới
- Hóa thạch khủng long 110 triệu năm "thật" đến kinh ngạc
- Hóa thạch "rồng ngủ" vẹn nguyên 112 triệu năm như thế nào?