Australia phát minh phương pháp tiêu diệt muỗi vằn đột phá
Với hiệu quả có thể tiêu diệt hơn 80% lượng muỗi vằn, phương pháp diệt muỗi sử dụng vi khuẩn đang được thử nghiệm của các nhà khoa học Australia hứa hẹn sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên toàn cầu do muỗi gây ra.
Bằng việc sử dụng một loại vi khuẩn có tên là Wolbachia, các nhà khoa học của Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) cùng với các đối tác đã thành công trong việc triệt sản và tiêu diệt phần lớn số lượng muỗi vằn trong các khu vực thử nghiệm.
Kết quả nghiên cứu mang tính đột phá được công bố hôm qua (5/10) cho thấy, các nhà khoa học đã triệt sản thành công 3 triệu con muỗi đực và sau đó thả chúng vào 3 khu vực thuộc phía Bắc bang Queensland của Australia trong năm 2018. Sau 20 tuần thử nghiệm, số lượng muỗi vằn tại các khu vực này đã giảm hơn 80%.
Tiến sĩ Brendan Trewin, nhà khoa tham gia nghiên cứu cho biết, nếu chương trình được tiến hành rộng rãi và lặp đi lặp lại, toàn bộ quần thể muỗi vằn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Theo Tiến sĩ Trewin, kỹ thuật kiểm soát sinh sản của muỗi vằn bằng vi khuẩn Wolbachia cho thấy hiệu quả hơn so với phương pháp sử dụng bức xạ hiện nay. Để tiêu diệt được phần lớn đàn muỗi sẽ chỉ cần sử dụng khoảng 1.500 con muỗi đực đã được triệt sản bằng vi khuẩn cho mỗi hecta thay vì phải sử dụng đến 9.000 cá thể muỗi đã được triệt sản bằng tia xạ. Ngoài ra, phương pháp diệt muỗi mới không sử dụng hóa chất nên sẽ không ảnh hưởng đến các loại côn trùng.
Cũng theo Tiến sĩ Trewin, phương pháp triệt sản muỗi vằn bằng cách sử dụng vi khuẩn có thể được điều chỉnh để tiêu diệt loại muỗi Hổ châu Á. Và việc loại bỏ được cả hai loại muỗi này sẽ góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm do muỗi như Zika, sốt xuất huyết và sốt vàng da và bệnh chikungunya.
Hiện kết quả nghiên cứu đang được đánh giá ngang hàng tại Viện Hàn lâm khoa học Mỹ. Và nhóm nghiên cứu cho biết một đối tác trong dự án đã trao đổi với chính phủ Singapore để triển khai kế hoạch diệt muỗi tại nước này.
- Sau hơn 2.000 năm, bí ẩn cánh cửa địa ngục được hé mở
- Mộ cổ nhà Hán xuất hiện đồ tạo tác bằng ngọc: Chức năng cực đặc biệt, vua chúa cũng không dám "trái lệnh"
- Chó nuôi hổ, cho bú tận tình tới khi lớn và cái kết khiến cộng đồng mạng bất ngờ