Bác sĩ chỉ ra những người không nên cạo gió
Cạo gió là phương pháp phổ biến mà nhiều người Việt Nam thường làm để giải cảm, giúp "khỏe người". Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc thực hiện sai đối tượng, sai thời điểm, việc cạo gió có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lâm Nguyễn Thùy An, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết cạo gió là một trong 6 phương pháp điều trị của y học cổ truyền, hay còn gọi là “biếm pháp”, giúp sơ thông kinh lạc, khu phong tán hàn, hỗ trợ cơ thể loại bỏ tà khí gây bệnh. Đây là một phương pháp trị liệu chủ yếu nhằm xử lý các tình trạng bệnh phát sinh do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể (phong, hàn, thấp), từ đó tuyên phát vệ khí, cải thiện triệu chứng nóng sốt, điều chỉnh âm dương, tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật và hỗ trợ quá trình phục hồi sau bệnh.
Theo y học hiện đại, việc cạo gió có các tác dụng như kích thích tuần hoàn máu, giảm đau, cải thiện quá trình trao đổi chất, loại bỏ độc tố và giảm viêm, giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm stress và hỗ trợ phục hồi sau căng cơ hoặc chấn thương nhẹ.
Cạo gió là một trong 6 phương pháp điều trị của y học cổ truyền hay còn gọi là “biếm pháp". (ẢNH: NHƯ QUYÊN).
Không phải cứ cảm là cạo gió!
Nhiều người có thói quen cứ “thấy mệt mệt” là muốn được cạo gió, thế nhưng điều này cũng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tuân thủ đúng cách và không nên lạm dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
“Việc lạm dụng cạo gió liên tục có thể dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng cho cấu trúc mô da. Không những không mang lại hiệu quả trong việc giảm mệt mỏi, mà còn có thể làm bệnh nặng hơn. Cạo gió quá mức sẽ gây ra tình trạng sung huyết, khiến cho da bị sưng đỏ và có thể tạo ra các vết bầm tím. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm mất tính thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái và tự ti về diện mạo của mình”, bác sĩ Thùy An cho hay.
Theo lời bác sĩ Thùy An, chỉ nên cạo gió khi bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của cảm lạnh (phong hàn) như: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, cảm giác gai người, sốt nhẹ, khó chịu, sợ lạnh, sợ gió, và có rêu lưỡi trắng mỏng. Những triệu chứng này chỉ ra rằng cơ thể đang bị cảm ngoại tà và cạo gió có thể giúp giải phóng tà khí, hỗ trợ tuần hoàn khí huyết và thông kinh lạc.
Tuy nhiên, đối với cảm nóng (phong nhiệt), người bệnh thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt cao, ra nhiều mồ hôi, sợ gió, kèm theo ho có đờm, khát nước, nước tiểu vàng. Trong trường hợp này, không nên cạo gió hay đánh cảm mà cần phải điều trị bằng thuốc để hạ nhiệt và thanh nhiệt cơ thể, vì việc cạo gió lúc này có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Người bị giãn tĩnh mạch không nên cạo gió. (ẢNH MINH HỌA: FREEPIK).
Những ai không nên cạo gió?
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lâm Nguyễn Thùy An đã nêu ra 9 nhóm đối tượng không nên cạo gió khi có các bệnh lý hoặc biểu hiện sau:
- Da nổi mẩn đỏ, sưng, nóng, đau: Những người mắc các bệnh về da như viêm da herpes, mụn nhọt hay có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Da quá mỏng hoặc mất độ đàn hồi.
- Người bị bệnh tim mạch và cao huyết áp: Những người mắc bệnh tim mạch hoặc cao huyết áp cần tránh cạo gió vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Người bị giãn tĩnh mạch: Những người có tĩnh mạch bị giãn nên hạn chế cạo gió hoặc thực hiện cẩn thận với lực nhẹ hơn.
- Bệnh lý nặng: Người bị suy kiệt, huyết áp thấp, hạ đường huyết, suy nhược, suy tim, suy thận, xơ gan hoặc phù nề nghiêm trọng không nên cạo gió.
- Bệnh nhân hemophilia hoặc giảm tiểu cầu: Những người mắc bệnh lý về máu cần tránh cạo gió vì nguy cơ chảy máu cao.
- Gãy xương hoặc trong quá trình liền xương.
- Phụ nữ mang thai: Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở vùng bụng dưới, cạo gió không được khuyến khích do có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
- Trẻ em: Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với mọi hình thức cạo gió.
Bên cạnh đó, cần lưu ý thời gian và tần suất khi cạo gió, mỗi vùng cạo chỉ nên kéo dài từ 3-5 phút, không quá 10 phút cho toàn bộ liệu trình, đảm bảo khử trùng dụng cụ trước và sau khi thực hiện. Cạo xong chỗ này mới cạo sang chỗ khác, lần cạo sau cách lần cạo trước từ 3 đến 6 ngày để vết cạo lần trước kịp tan đi. Sau khi cạo, cần giữ ấm cơ thể và tránh gió lạnh, tránh để quạt thổi vào người, nên ăn một bát cháo hành để giải cảm và tuyệt đối không ăn đồ lạnh.
“Buổi sáng là thời điểm lý tưởng để cạo gió, vì cơ thể đã nghỉ ngơi qua đêm, năng lượng và khí huyết trong cơ thể sẽ được lưu thông tốt hơn, giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần cho cả ngày. Nên tránh cạo gió vào buổi tối vì có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đối với người lớn tuổi và những người có sức khỏe yếu, nên theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi cạo gió. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, buồn nôn thì nên dừng và đi thăm khám ngay”, bác sĩ Thùy An chia sẻ.
- Tìm hiểu về trúng gió và cách xử lý khi bị trúng gió
- Đau nhức vai gáy khi ngủ dậy
- Làm thế nào để không chết oan vì nhầm đột quỵ với trúng gió?