Làm thế nào để không chết oan vì nhầm đột quỵ với trúng gió?
Bỗng dưng chóng mặt, buồn nôn, nôn… không kèm rối loạn vận động, ngôn ngữ hay liệt, thường là biểu hiện của trúng gió hơn đột quỵ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong dân gian có khái niệm trúng gió, cảm. Đây là khái niệm chỉ tình trạng bất thường về sức khỏe một cách đột ngột. Mọi biểu hiện từ đau bụng, nôn nhiều, sau tắm thấy lạnh, đêm ngủ đi vệ sinh bị yếu nửa người… người ta cũng cho rằng là cảm, trúng gió.
Thực tế, có những người sau nghỉ ngơi, uống cốc trà gừng, cạo gió lại trở về bình thường, tuy nhiên không loại trừ nhiều trường hợp là do đột quỵ. Không phải người nào cũng có thể phân biệt được trúng gió và đột quỵ.
3-4 giờ từ khi khởi phát đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. (Ảnh minh họa: S.P).
Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, bản chất của trúng gió và đột quỵ là hoàn toàn khác nhau. Để phân biệt được nó, trước hết cần phải hiểu thế nào là đột quỵ. Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là đột quỵ não, gồm 2 dạng: xuất huyết não (mạch máu não bị vỡ) và thiếu máu cục bộ não xảy ra khi mạch máu đưa lên não hoặc trong não bị nghẽn do huyết khối, thành mạch xơ vữa.
Đột quỵ có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, từ rất nhẹ như một người bỗng dưng hơi đầy lưỡi, nói hơi ngọng, nặng thì rối loạn ngôn ngữ, mất tiếng, không nói được. Thông thường biểu hiện của nó liên quan đến một nhóm cơ như đang cầm đũa, bát, bút thì làm rơi xuống. Nặng hơn thì tê một nhóm cơ, điển hình hơn là yếu, liệt hẳn một nửa người; nặng hơn nữa là người bệnh có thể bị bán mê hoặc hôn mê.
"Trúng gió hay cảm biểu hiện chủ yếu là chóng mặt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau như cơ thể, thậm chí ngất xỉu, méo mặt (liệt dây thần kinh ngoại biên)… Nó không có dấu hiệu rối loạn thực thể, rối loạn vận động hay ngôn ngữ, không gây liệt", giáo sư Việt nói.
Vì thế, giáo sư Việt khuyến cáo những trường hợp có các biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh khu trú, rối loạn vận động, ngôn ngữ, liệt… cần được đưa đến cơ sơ y tế gần nhất. Trường hợp đột quỵ do thiếu máu não đến viên trước 3 giờ thì hiệu quả điều trị tốt, bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy bỏ huyết khối. Đến viện muộn, hiệu quả điều trị giảm đi rất nhiều. 3-4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Người bệnh không nên mạo hiểm chờ đợi xem có qua cơn “trúng gió” hay không vì có thể bỏ qua cơ hội điều trị.
Dấu hiệu đột quỵ
- Đột ngột yếu, liệt, tê bì tay, chân.
- Đột ngột khó nói, bất thường về giọng nói, hoặc không nói được.
- Bỗng nhiên mất thị lực, hoặc nhìn mờ có thể một hoặc hai mắt.
- Chóng mặt, thường kèm theo mất thăng bằng, mất phối hợp động tác…