Bản đồ lục địa bí ẩn Zealandia - chìa khóa mở lịch sử vùng đất mất tích

Cuối cùng các nhà khoa học đã lập được bản đồ của lục địa thứ 8, lục địa Zealandia bí ẩn, để có thể giải đáp về lịch sử đầy bí mật của một lục địa đã mất.

Sau hàng chục năm nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học đã hoàn thành tấm bản đồ của Zealandia. Tấm bản đồ này sẽ giúp họ giải đáp những bí mật của lục địa đầy bí ẩn này.


Các nhà khoa học đã có được tấm bản đồ hoàn chỉnh của Zealandia. (Ảnh: Nick Mortimer/GNS Science).

Zealandia còn được gọi là lục địa thứ tám của Trái đất. Nó có diện tích hơn 5 triệu km2, bằng khoảng ½ diện tích nước Úc.

Nhưng vùng đất này đã mất tích hàng nhiều nghìn năm nay vì 95% diện tích của nó chìm dưới nước. Điều này khiến cho việc lập bản đồ vô cùng khó khăn vì hầu hết các núi lửa, thung lũng, dãy núi của nó nằm dưới đáy đại dương ở gần New Zealand.

Tuy vậy, khó khăn mấy cũng không ngăn cản được nhà khoa học Nick Mortimer, người phụ trách nhóm nghiên cứu đã miệt mài làm việc suốt hơn 20 năm qua để khám phá ra vùng đất kỳ lạ này.

Trong một nghiên cứu mới đây, nhóm đã hoàn thành lập bản đồ của khu vực cuối cùng của lục địa, đó là khu vực phía đông bắc.

Kết hợp với dữ liệu đã được nghiên cứu trong nhiều năm, các nhà khoa học đã lập bản đồ bề mặt của lục địa này gồm những cao nguyên, các rặng núi và ranh giới nơi lục địa và đại dương gặp nhau. Và họ cho rằng đây là tấm bản đồ chi tiết hơn bất kỳ bản đồ của lục địa nào khác trên Trái đất.

Hàng chục năm làm việc để xác định Zealandia là một lục địa


Bản đồ độ sâu của Zealandia, màu xanh đậm hơn biểu thị vùng nước sâu hơn. (Ảnh: Nick Mortimer/GNS Science).

Một số người cho rằng Zealandia không phải là một lục địa vì quá nhiều diện tích của nó chìm dưới nước. Những người khác lại công nhận nó là một mảnh của lục địa hoặc một tiểu lục địa.

Đối với các nhà địa chất học, định nghĩa lục địa không cần thiết phải gắn liền với mực nước biển. Ngoài kích thước và các ranh giới được xác định giữa đất liền và biển, một yếu tố quan trọng khác là lớp vỏ của vùng đất đó.

Một lục địa điển hình là nơi có lớp vỏ dày hơn và có nhiều đặc điểm địa chất khác nhau do đá granite, đá phiến, đá vôi và thạch anh tạo thành, khi so sánh với đáy biển.

Để hiểu được địa chất của Zealandia, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã cùng hợp tác và sử dụng kết hợp dữ liệu thu được từ vệ tinh, radar, và đất đá ở vùng này. Năm 2019, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ các ranh giới phía nam của Zealandia.

Dựa trên nhiều năm nghiên cứu và bằng chứng thu được qua thời gian, nhóm cho rằng đã có thể công bố Zealandia là một lục địa, mặc dù nó là một lục địa bị ẩn giấu, nhiều bí ẩn hơn so với các lục địa khác. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn muốn biết toàn bộ Zealandia trông ra sao, từ các ngọn núi lửa và các rặng núi cho đến thềm địa chất, tức là lớp vỏ già cỗi nhất là nền tảng của vùng đất này.

Lập bản đồ địa chất của Zealandia


Đá granite được lấy từ bắc Zealandia. (Ảnh: Nick Mortimer/GNS Science).

Khi hoàn thành nốt phần bản đồ phía đông bắc của lục địa này là khi các nhà nghiên cứu hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng của tấm bản đồ toàn lục địa. Họ đã thu thập và xác định niên đại của đá basalt và đá cuội từ đáy biển của khu vực Fairway Ridge của Zealandia, nằm ở vùng biển San Hô ở tây bắc New Calidonia. Tuổi đời của các thành phần cấu tạo nên địa hình nơi đây từ khoảng 36 triệu đến 128 triệu năm.

Nhờ thu thập các mẫu đá và vẽ sơ đồ vị trí của chúng trên Zealandia, nhóm có thể suy ra các lực địa chất, ví dụ như sự hình thành núi lửa và lớp vỏ chìm xảy ra khi nào.

Bản đồ độ sâu cho thấy địa chất tầng đáy của Zealandia ngày càng trẻ hơn, từ đại Cổ sinh đến kỷ Permi-Mesozoi. Các dữ liệu đã giúp các nhà địa chất học hiểu được những gì đã xảy ra khi Zealandia vỡ ra từ một khối lục địa lớn hơn.

Zealandia giống như anh em họ của Nam Cực


Hình minh họa những chú chim cánh cụt đầu tiên ở New Zealand cách đây 3 triệu năm. (Ảnh: Simone Giovanardi/Massey University).

Nhà địa chất học Mortimer gọi Zealandia là một mảnh của siêu lục địa Gondwana.

Suốt một thời gian dài, các nhà địa chất học đã biết Gondwana là một siêu lục địa gồm Nam Cực, Úc, Nam Mỹ, châu Phi và Ấn Độ ngày nay. Siêu lục địa này bắt đầu vỡ ra vào kỷ Jura Muộn, cách đây khoảng 160 triệu năm.

Địa lý thềm Zealandia cho biết, phần tiếp nối của nó với siêu lục địa trước kia chính là dọc theo châu Úc và châu Nam Cực. Bên dưới lớp băng, phần lớn của tây Nam Cực chìm dưới nước. Khoảng 100 triệu năm trước, cả Nam Cực và Zealandia vẫn còn nối liền với Gondwana trong tình trạng bị kéo căng, "giống như bột bánh pizza bị kéo căng ra" - Mortimer nói - "chúng giãn ra rộng hơn nhưng lại mỏng hơn".

Khi lớp vỏ đó nguội đi và mỏng hơn, Zealandia bắt đầu chìm xuống nước và tiếp tục nhấn chìm cho đến thời điểm cách đây 25 triệu năm. Trong khi đó, phần vỏ bị kéo lên đã tạo thành các ngọn núi và các hòn đảo, mặc dù New Zealand có thể chưa bao giờ hoàn toàn bị chìm dưới nước.

Nhà địa chất học Mortimer cho biết việc bổ sung Zealandia vào tổ hợp dữ liệu các lục địa sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn vì sao các lục địa tan rã, đồng thời cung cấp cho các nhà sinh vật học những thông tin quan trọng về động thực vật sống ở Zealandia.

Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời nhưng giờ đây, khi các nhà địa chất học đã có ý tưởng cơ bản về hình dáng của Zealandia và địa chất nơi đây, họ có thể định hình các dự án nghiên cứu sâu hơn để trả lời cho các câu hỏi khi nào, như thế nào và tại sao các sự vật hiện tượng lại xảy ra trên vùng đất này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất