Bằng cách nào tòa nhà cao hơn 500 mét này vẫn "sống sót" sau trận động đất mạnh nhất 25 năm qua tại Đài Loan?

Đài Loan (Trung Quốc) vừa xảy ra trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua nhưng có một tòa nhà dù cao tới 500 mét vẫn sừng sững "không đổ". Vì sao?

Vào khoảng 7h59 sáng ngày 3/4, trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã làm rung chuyển cả đảo Đài Loan khiến nhiều nhà cửa đổ sập, 9 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương - tính đến sáng 4/4 theo giờ Việt Nam.

Trung tâm địa chấn thuộc Cơ quan quản lý thời tiết Đài Bắc cho biết trận động đất này là cơn địa chấn mạnh nhất tại Đài Loan trong 25 năm qua. Tuy vậy, trận động đất không thể làm ảnh hưởng tới tòa nhà cao nhất hòn đảo.

Taipei 101 là tòa nhà cao nhất Đài Loan trị giá 1,8 tỷ USD, nằm ở quận Tín Nghĩa, Đài Bắc và cũng từng giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới năm 2004-2010.


Tháp Taipei 101.

Được biết, với chiều cao khoảng 509 mét, 101 tầng trên mặt đất và 5 tầng dưới lòng đất - tòa nhà được trang bị một biện pháp phòng ngừa giúp công trình cực bền vững, giảm được 40% độ rung lắc tổng thể khi có động đất và gió mạnh. Thậm chí, nó có thể chống chọi với nhiều trận động đất mạnh mẽ.

Cụ thể, Taipei 101 được trang bị một trong những hệ thống giảm chấn khối lượng điều chỉnh lớn nhất thế giới. Nó có 1 quả cầu thép khổng lồ màu vàng nặng 660 tấn - được treo giữa khu vực tầng 88 và 92, hoạt động như con lắc, dao động nhẹ nhàng qua lại để "triệt tiêu" các lực khiến tòa nhà bị lắc lư, ví dụ như sức gió.


Taipei 101 được trang bị một trong những hệ thống giảm chấn khối lượng điều chỉnh lớn nhất thế giới.

Quả lắc sẽ dao động qua lại tùy theo chuyển động của tòa nhà, ví dụ tòa nhà di chuyển theo 1 hướng, nó sẽ lắc lư theo hướng khác và duy trì sự cân bằng tổng thể.

Nếu gió hoặc lực động đất đẩy tháp sang bên phải, quả cầu sẽ tác dụng một lực tức thời và bằng nhau về bên trái, triệt tiêu chuyển động ban đầu. Vì vậy, mặc dù tòa nhà lắc lư nhưng nó sẽ không bị đổ.


Nếu gió hoặc lực động đất đẩy tháp sang bên phải, quả cầu sẽ tác dụng một lực tức thời và bằng nhau về bên trái, triệt tiêu chuyển động ban đầu

Ngoài ra, nó cũng đang trang bị hệ thống cảm biến giúp phát hiện sự dịch chuyển của tòa nhà - được đầu tư tới 4 triệu USD.

Quả lắc là một ví dụ của hệ thống giảm chấn thụ động, nó sẽ hoạt động mà không cần sự điều khiển hay nguồn điện từ bên ngoài - chỉ cần trọng lực và chuyển động của tòa nhà. Taipei 101 cũng là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới dùng con lắc để giảm chấn kết cấu.

Việc xây dựng Taipei 101 bắt đầu vào năm 1999 và hoàn thành đúng thời điểm đêm giao thừa năm 2004. Mỗi tầng của tòa nhà cũng được lắp đặt các "giàn chống đỡ" bằng thép đi từ lõi của tòa nhà đến các cột bên ngoài để tăng độ cứng của cấu trúc.


Tòa nhà Taipei 101 còn sở hữu thang máy cực nhanh, có tốc độ tối đa 60,6km/h.

Việc công khai hệ thống giảm chấn khối lượng điều chỉnh của mình đã giúp tòa nhà này trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch.

Thêm nữa, khả năng đối phó với sức mạnh của tự nhiên không phải là đặc điểm ấn tượng duy nhất của Taipei 101. Tòa nhà còn sở hữu thang máy cực nhanh, có tốc độ tối đa 60,6km/h - giúp du khách có thể đi từ tầng trệt lên đài quan sát chỉ trong vòng 37 giây.

Đài Loan (Trung Quốc) là khu vực dễ xảy ra động đất vì nó nằm trên “vành đai lửa” Thái Bình Dương, nơi có các mảnh vỏ Trái Đất va chạm nhau, gây ra địa chấn và hoạt động núi lửa thường xuyên.

Tuy nhiên, theo Stephen Gao, nhà địa chấn học và giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, khả năng chuẩn bị cho động đất của Đài Loan là “tiên tiến nhất thế giới”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất