Bão có thể "nổ" như 666 quả bom nguyên tử 20 phút/lần, không gì cản nổi

Theo BI, ngay cả Tsar Bomba (sức công phá 50 megaton) - quả bom hạt nhân lớn nhất thế giới từng được Nga kích nổ - cũng không thể chặn bão.

Theo Business Insider (BI), trong quá khứ, nước Mỹ từng ghi nhận những ý tưởng có phần "điên rồ" để ngăn chặn các cơn bão. Tuy nhiên, mức năng lượng mà một cơn bão trưởng thành có thể giải phóng là "vô cùng kinh hoàng", gần như không gì có thể ngăn chặn được.

Cụ thể, vào năm 2019, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, ông Donald Trump - khi đó đang giữ cương vị Tổng thống Mỹ - đã nhiều lần đề nghị giới chức an ninh quốc gia nước này xem xét phương án sử dụng bom hạt nhân để ngăn chặn các cơn bão đổ bộ vào nước Mỹ.


Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề xuất dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các cơn bão đổ bộ vào nước Mỹ. (Ảnh: RAMMB)

“Tại sao chúng ta không thả bom hạt nhân vào những cơn bão?”, ông Trump đặt câu hỏi trong một cuộc họp của Nhà Trắng về phòng chống bão.

Theo tờ Axios, khi đó, ông Trump đang ủng hộ phương án dùng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các cơn bão nhiệt đới tấn công miền đông nam nước Mỹ.

Nguồn tin của Axios cho biết, ông Trump đã đề cập với các quan chức cấp cao của Mỹ một nội dung như sau: “Bão đã bắt đầu hình thành ngoài khơi bờ biển châu Phi. Trong lúc nó di chuyển qua Đại Tây Dương, chúng ta hãy ném một quả bom vào mắt bão và đánh tan nó. Tại sao chúng ta không thể làm vậy?”.

TheoBusiness Insider, ý tưởng mà ông Trump đưa ra đã từng được đề cập trước đây. Vào cuối những năm 1950, một nhà khoa học đã nảy ra sáng kiến sử dụng các vụ nổ hạt nhân để “làm thay đổi hướng di chuyển và cường độ của bão”.

Tuy nhiên, báo cáo năm 2014 của các nhà nghiên cứu bão tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã bác bỏ ý tưởng này. Theo NOAA, sáng kiến đánh tan siêu bão bằng bom hạt nhân là “không khả thi”, bởi nước Mỹ không có loại bom với sức công phá đủ mạnh để làm điều đó. Ngoài ra, các vụ nổ sẽ không thể làm thay đổi áp suất không khí xung quanh trong tích tắc.

Bão được hình thành như thế nào?

Business Insider cho hay, bão là những cơn lốc áp suất thấp trên diện rộng với tốc độ gió lên tới 119km/h.

Những cơn bão nhiệt đới đe dọa đổ bộ vào nước Mỹ được hình thành trên vùng nước ấm ở giữa Đại Tây Dương. Khi độ ẩm tăng lên, vùng này giải phóng năng lượng, tạo thành giông bão. Khi nhiều cơn giông bão được tạo ra, những cơn gió theo hình xoắn ốc hướng lên trên và bắt đầu hướng ra ngoài, tạo ra cơn lốc xoáy.

Đồng thời, khi gió nổi lên, một khu vực có áp suất thấp sẽ hình thành trên bề mặt đại dương, giúp nuôi dưỡng hình dạng xoáy thuận của cơn bão. Nếu bất kỳ phần nào trong chu trình thời tiết này tan biến thì cơn bão sẽ mất sức mạnh và tan rã.

Có lẽ chính vì lý do đó mà vào năm 1959, Jack Reed - nhà khí tượng học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia - đã đề cập tới khả năng phá vỡ các điều kiện hình thành bão bằng vũ khí hạt nhân.


Ông Reed đề xuất phương án dùng tàu ngầm bắn vũ khí hạt nhân vào mắt bão. (Ảnh: YT).

Ông Reed đưa ra giả thuyết rằng, các vụ nổ hạt nhân có thể ngăn chặn cơn bão bằng cách đẩy không khí ấm vọt lên phía trên và ra khỏi mắt bão, từ đó tạo điều kiện cho không khí lạnh hơn thế chỗ.

Theo ông Reed, điều đó sẽ khiến phần áp suất không khí thấp - vốn cung cấp nhiên liệu cho cơn bão - tan biến, và cuối cùng sẽ làm suy yếu cơn bão.

Để hiện thực hóa ý tưởng đưa vũ khí hạt nhân vào mắt bão, ông Reed đề xuất hai phương án: Thả từ trên không hoặc phóng từ tàu ngầm. Trong đó, phương án phóng từ tàu ngầm được đánh giá là khả quan hơn cả.

“Một chiếc tàu ngầm có thể xuyên qua mắt bão dưới nước rồi phóng thiết bị mang tên lửa trước khi lặn xuống độ sâu an toàn”, ông Reed nói.

Thế nhưng, theo NOAA, ý tưởng của ông Reed có ít nhất 2 vấn đề bất cập.

Bão giải phóng năng lượng kinh hoàng

Business Insider dẫn báo cáo của NOAA cho biết, cứ 20 phút một lần, một cơn bão trưởng thành có thể giải phóng năng lượng nhiệt ở mức từ 5x1013 cho tới 20x1013 watt và chỉ có dưới 10% mức nhiệt này được chuyển đổi thành năng lượng cơ học của gió.

Lượng nhiệt do bão tỏa ra sẽ tương đương với một quả bom hạt nhân 10 megaton phát nổ cứ 20 phút một lần. Sức công phá này bằng với 666 quả bom “Little Boys” (15 kiloton) mà Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.

Để ứng phó với nguồn năng lượng khủng khiếp của một cơn bão, cứ mỗi giờ đồng hồ cho tới khi bão suy yếu, nước Mỹ sẽ cần ném gần 2.000 quả bom “Little Boys” vào mắt bão.

Đáng nói, ngay cả Tsar Bomba (sức công phá 50 megaton) - quả bom hạt nhân lớn nhất trên thế giới từng được Nga kích nổ trên Biển Bắc Cực vào năm 1961 - cũng không đủ sức ngăn chặn bão.


Ngay cả bom Tsar Bomba cũng không đủ mạnh để ngăn chặn bão. (Ảnh: Wiki).

Hơn nữa, khi đợt sóng áp suất cao từ vụ nổ hạt nhân bắt đầu di chuyển ra phía ngoài thì áp suất không khí xung quanh cơn bão sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái áp suất thấp như trước đây, trong khi sóng xung kích do vũ khí hạt nhân tạo ra lại truyền đi nhanh hơn tốc độ âm thanh.

Do đó, nếu không thể kích nổ hạt nhân trong mắt bão một cách liên tục thì chúng ta không thể làm tiêu tan luồng không khí áp suất thấp đang giúp duy trì cơn bão.

Nói một cách đơn giản, nếu muốn giảm quy mô của cơn bão cấp 5 như Katrina (sức gió 281km/h) thành cơn bão cấp 2 (sức gió 160km/h) thì chúng ta cần bổ sung hơn nửa tỷ không khí vào cơn bão (với điều kiện đường kính mắt bão là 40km). Chỉ một quả bom hạt nhân không đủ làm điều đó.

Bụi phóng xạ sẽ lan rộng

Báo cáo của NOAA cũng cảnh báo rằng, nếu nước Mỹ dùng vũ khí hạt nhân thì bụi phóng xạ sẽ lan rộng ra cả bên ngoài phạm vi cơn bão.

“Cách tiếp cận này đã không tính đến vấn đề bụi phóng xạ được giải phóng. Bụi phóng xạ sẽ di chuyển khá nhanh theo gió, làm ảnh hưởng tới các khu vực trên đất liền và gây ra một loạt các hệ lụy tàn khốc với môi trường”, nhóm tác giả của NOAA viết.

Với con người, tiếp xúc quá nhiều bụi phóng xạ trong thời gian ngắn có thể khiến các tế bào trong cơ thể bị phá hủy.

Đất bị ô nhiễm do bụi phóng xạ cũng không thể sử dụng được, dù chỉ để ở. Sau khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ vào năm 1986 và phát tán bụi phóng xạ độc hại vào không khí, người dân khu vực này đã buộc phải rời đi nơi khác.

Nếu Mỹ tìm cách đánh tan cơn bão bằng hạt nhân, bụi phóng xạ thậm chí có thể lan sang các quốc đảo ở Caribe hoặc các bang giáp với Vịnh Mexico.

“Đây đích thực không phải là một ý tưởng hay”, NOAA kết luận.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất