WHO tuyên bố chất trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su "có thể gây ung thư"
Theo thông cáo báo chí WHO sáng 14-7 (giờ Việt Nam), đánh giá về aspartame được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), WHO, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) phối hợp thực hiện.
Trích dẫn "bằng chứng hạn chế" về khả năng gây ung thư ở người, IARC đã phân loại aspartame là "chất có thể gây ung thư cho người" (IARC nhóm 2B) và JECFA tái khẳng định lượng tiêu thụ "có thể chấp nhận được" là 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể người dùng.
Nước ngọt ăn kiêng và các đồ uống ăn kiêng khác là một trong những thứ hay chứa aspartame. - (Ảnh minh họa từ HEALTH LINE)
Hai cơ quan này đã tiến hành điều tra độc lập trước khi đồng thuận coi aspartame là chất có thể gây ung thư.
Nhóm 2B là cấp độ cao thứ 3 trong số 4 cấp độ mà IARC dùng để phân loại những chất có thể gây ung thư, được xác định khi có bằng chứng hạn chế nhưng chưa đủ thuyết phục ở người hoặc mới có bằng chứng thuyết phục trong thí nghiệm động vật.
"Các đánh giá về aspartame đã chỉ ra rằng mặc dù tính an toàn không phải là mối quan tâm chính ở liều lượng thường được sử dụng, nhưng các tác động tiềm tàng đã được mô tả cần được điều tra bằng nhiều nghiên cứu tốt hơn" - Tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO cho biết.
Tiến sĩ Branca cũng cảnh báo ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Hàng năm, cứ 6 người thì có 1 người chết vì ung thư.
Thông cáo báo chí của WHO cũng trấn an rằng liều lượng tối đa cho phép - dưới 40 mg trên 1 kg trọng lượng cơ thể - tương đương với việc một người trưởng thành phải uống đến 9-14 lon nước ngọt ăn kiêng mỗi ngày, nếu như họ không dùng thêm bất cứ thực phẩm chứa aspartame nào khác.
Chất tạo ngọt aspartame, một dạng "đường ăn kiêng", ngoài đồ uống "không đường" cho người ăn kiêng còn hiện diện trong nhiều thực phẩm khác như kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng, kem, sữa chua, kem đánh răng, thuốc ho, vitamin dạng nhai có vị ngọt...
IARC và WHO tiếp tục theo dõi các bằng chứng mới và khuyến khích các nhóm nghiên cứu độc lập phát triển các nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ tiềm tàng giữa phơi nhiễm aspartame và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.