Bão Kujira bất ngờ tăng cấp, áp sát miền Bắc
Khác với dự báo trước đó, sáng 24/6, bão bất ngờ mạnh lên một cấp và gây mưa to, gió lớn suốt dọc các tỉnh ven biển miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Bão Kujira bất ngờ tăng cấp
Đêm qua và rạng sáng nay, bão hầu như ít dịch chuyển. Cơn bão được cho là suy yếu trước khi đổ bộ đột ngột tăng một cấp, đạt 9, giật tới cấp 12.
Lúc 9h sáng 24/6, tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 50 km về phía đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 9 (75-88 km mỗi giờ), giật tới cấp 12. Với khoảng cách này, bão đã quét vào các vùng ven biển. Từ Quảng Ninh đến Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ, mưa to gió lớn xuất hiện.
Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-8. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Riêng đảo Bạch Long Vĩ, trong đêm gió giật mạnh cấp 11-12, đảo Cô Tô gió giật mạnh cấp 9.
Vị trí tâm bão lúc 7h sáng 24/6. (Ảnh: NCHMF).
Trong ngày 24/6, bão di chuyển chậm, chỉ 5 km mỗi giờ, theo hướng tây chếch bắc và còn có thể mạnh thêm trước khi đi vào đất liền.
Đến 16h, tâm bão nằm trên đất liền Quảng Ninh - Thái Bình với sức gió vùng gần tâm đạt cấp 8-9 (từ 60 đến 90 km một giờ).
Trong hôm nay, bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) liên tục có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Ven biển từ Quảng Ninh tới Nam Định duy trì gió mạnh cấp 8-9, giật tới cấp 12. Các nơi khác ở phía đông Bắc Bộ gió giật cấp 7-8.
Cơ quan khí tượng đưa ra mức cảnh báo rủi ro thiên tai mức cao (cấp 3) đối với các khu vực trên.
Cơn bão sau đó di chuyển theo hướng tây bắc đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Ảnh vệ tinh sáng 24/6 cho thấy rìa bão đã quét vào ven biển khu vực Quảng Ninh - Thái Bình. Vùng mây bão cũng phủ lên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ, gây mưa vừa tới mưa lớn. (Ảnh: NCHMF).
Trong hôm nay và ngày mai Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa tới mưa lớn. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6 m, ở hạ lưu 2-3 m.
Từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài sang ngày 25/6 khiến các sông có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lên 2-4 m ở thượng lưu và 1-2 m ở hạ lưu. Tuy nhiên, đỉnh lũ còn dưới mức báo động 1.
Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc biệt một số khu vực như huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh (Thanh Hóa) và các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An).
Nhấn mạnh tầm nguy hiểm của bão số 1, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, bão có đường đi gần giống cơn bão Ramasun đổ bộ vào Việt Nam năm 2014: “Khi vào đất liền, bão Ramasun không mạnh nhưng mưa lớn xảy ra tại khu vực miền núi. Cơn bão làm chết 31 người và 1 người mất tích. Nặng nề nhất là Lạng Sơn với 6 người chết”.
Còn ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, cường độ bão không mạnh nhưng diễn biến mưa phức tạp, có khả năng xuất hiện lũ ống, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Giang…

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

Sự thật về những chiếc cốc giấy dùng 1 lần
Các loại cốc giấy dùng 1 lần đang được rất nhiều người ưa dùng vì tính tiện dụng và nhanh gọn. Song sự thật về chúng không phải ai cũng biết.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

Ngày xưa ông cha ta tránh bão như thế nào?
Do không có phương tiện dự báo thời tiết nên cha ông ta nhận biết dấu hiệu của bão bằng cách quan sát tự nhiên.

Lý giải hiện tượng cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Tại sao bão ở Việt Nam lại hay vào miền Trung?
Dân gian có câu "Ông tha mà bà không tha/ Làm nên lũ lụt hai ba tháng mười”, để nhắc nhở, cảnh báo mùa lũ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào thường xảy ra đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
