Bão lốc tàn phá nước Mỹ làm 159 người chết
Trận bão và những cơn lốc xoáy tấn công 4 bang ở miền nam nước Mỹ hôm qua tàn phá nhà cửa và cướp đi mạng sống của ít nhất 159 người, trong đó nặng nhất là bang Alabama.
>> Lốc xoáy tràn qua một nửa nước Mỹ, 45 người chết
Một nhóm người Mỹ nhìn những đống đổ nát do lốc xoáy gây nên tại Tuscaloosa, bang Alabama hôm 27/4. Ảnh: AP.
Theo AP, bão và lốc xoáy quét qua các bang Alabama, Mississippi, Georgia và Tennessee hôm 27/4, trong đó riêng Alabama có 128 người thiệt mạng. Nơi chịu thiệt hại nặng nhất bang này là thành phố Tuscaloosa, nơi giao thông hỗn loạn do cây cối và cột điện đổ, trong khi dịch vụ viễn thông gián đoạn.
Trong khi đó, thống đốc của 3 bang Mississippi, Georgia và Tennessee ban bố tình trạng khẩn cấp trong bang của mình, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama ban bố tình trạng khẩn cấp tại Alabama với sự hỗ trợ của tiền cứu trợ liên bang.
Cây to đổ vào một ngôi nhà ở thành phố Knoxville, bang Tennessee. Ảnh: AP.
Tại thành phố Huntsville, bang Alabama, các nhà khí tượng thuộc Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia sơ tán khẩn cấp sau khi phát hiện chỗ làm việc của họ nằm trên đường đi của lốc xoáy. Những cây đổ cản trở giao thông trên các tuyến đường và xa lộ tại bang Mississippi và Alabama, cản trở nỗ lực cứu hộ.
Emily Crawford, một sinh viên của Đại học Alabama, thành phố Tuscaloosa, bang Alabama kể với The New York Times rằng cô đang chuẩn bị thi học kỳ thì lốc xoáy ập tới. Sau khi thi cô phải ở lại trường tới tận nửa đêm cùng với nhiều sinh viên khác. Các sinh viên này nói rằng sự tàn phá của bão khủng khiếp hơn so với siêu bão Katrina vào năm 2005.
“Những cảnh tượng mà tôi chứng kiến thật khó tin. Người dân chạy tới trường đại học vì họ không có nơi nào để trú ẩn. Trường điều các xe buýt vào thành phố để đưa sinh viên trở lại trường và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho họ”, cô Crawford nói.
Chris Osborne, người phát ngôn của Tổ chức Chữ thập đỏ tại thành phố Birmingham, bang Alabama, nói với CNN rằng số lượng xe cứu thương trên đường phố “tương đương với số xe taxi tại thành phố New York”.
Đây chỉ là một trong hàng loạt cơn bão đổ bộ vào miền nam nước Mỹ trong tuần này. Giới chức thông báo bão gây mưa lớn và ngập lụt trên một khu vực rộng lớn trải dài từ bang Texas tới bang Georgia.
Tom Bradshaw, một chuyên gia khí tượng của Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ, nói rằng bão di chuyển với tốc độ khoảng 216 km/h. Với tốc độ đó, bão phá hủy những ngôi nhà di động một cách dễ dàng. Lượng mưa ở phía bắc bang Arkansas lên tới 50 cm trong bốn ngày qua.
Henry Nguyen, một nhân chứng khác, kể rằng anh đang làm việc với bố trong siêu thị tại thành phố Pratt, bang Alabama thì lốc xoáy xuất hiện ở cửa trước. Nguyen vội tìm chỗ ẩn nấp. Khi đứng lên anh nhận thấy lốc cách cửa hàng khoảng 50 m.
“Nhiều ngôi nhà biến mất sau khi lốc xoáy đi qua. Thật đáng sợ. Ngay cả một trạm xăng trên đường cũng bị phá hủy”, anh nói.
Các cơn bão hoành hành tại nhiều bang ở miền nam nước Mỹ trong vài tuần qua. Hồi đầu tuần này chúng giết chết 11 người Mỹ với 30 bang chịu tác động của những cơn bão.

Tại sao nhiệt độ cao khiến máy bay khó cất cánh?
Nhiệt độ gia tăng trên Trái đất đang khiến máy bay khó cất cánh hơn ở một số sân bay, đặt ra thách thức khác cho ngành hàng không dân dụng.

Tác dụng của hiện tượng núi lửa phun trào
Một bản nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, núi lửa phun trào có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của hiện tượng Trái đất nóng lên.

Động đất là gì? Động đất được hình thành như thế nào?
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter).

Những nơi nóng nhất và lạnh nhất trên Trái Đất
Trạm Vostok, đảo Ellesmere, làng Oymyakon, thành phố Bangkok, thung lũng tử thần... là những địa dang nổi tiếng có nhiệt độ thấp và cao kỷ lục.

Thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại
Với sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, vụ núi lửa Tambora phun trào ngày 10/4/1815 tại Sumbawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Những điều bạn chưa biết về hiện tượng mặt trời giả
Hiện tượng Mặt Trời giả hay Mặt Trời ma, có tên khoa học là parhelion (số nhiều là parhelia). Đây là một hiện tượng khí quyển, là các đốm sáng, thường thấy trên các cạnh của Quầng bên cạnh Mặt Trời.
