Bao nhiêu phi hành gia đã bỏ mạng trong các nhiệm vụ không gian?

5 nhiệm vụ không gian, trong đó ba của NASA và hai của Liên Xô, đã kết thúc với những thảm họa lấy mạng các phi hành gia.

Theo Nigel Packham, phó giám đốc về đảm bảo nhiệm vụ và an toàn của NASA, 21 người đã chết trong lúc thực hiện các nhiệm vụ không gian, Live Science hôm 12/6 đưa tin.


Tàu con thoi Challenger phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA, Florida, ngày 28/1/1986. (Ảnh: NASA)

"Các vụ tai nạn thường là sự kết hợp giữa tình huống bất thường, lỗi thiết bị, lỗi con người, vấn đề chính trị và quản lý", Jim Hermanson, giáo sư hàng không và du hành vũ trụ tại Đại học Washington, cho biết.

Hai thảm họa chết chóc nhất là các nhiệm vụ tàu con thoi của NASA. Tháng 1/1986, tàu con thoi Challenger phát nổ sau khi phóng 73 giây, giết chết phi hành đoàn 7 người, trong đó có Christa McAuliffe, giáo viên ở New Hampshire lên tàu theo Dự án Giáo viên trong Không gian của NASA. Vụ tai nạn do nhiệt độ lạnh khác thường ở mũi Canaveral khiến một số vật liệu dùng để bịt kín của tên lửa mất độ mềm dẻo.

"Khí nóng rò rỉ ra ngoài, khiến bình nhiên liệu đẩy cháy và gây ra một vụ nổ lớn", Hermanson nói. Ông cho biết thêm, nhóm quản lý cũng có một phần lỗi vì đã tiến hành phóng bất chấp cảnh báo của một số kỹ sư NASA.

Một sự cố chết người khác xảy ra vào tháng 2/2003, khi tàu con thoi Columbia vỡ nát trong hành trình trở về Trái đất, giết chết 7 thành viên phi hành đoàn. Trước khi xảy ra thảm họa Columbia, các giai đoạn trở lại khí quyển (hồi quyển), lao xuống và hạ cánh được cho là "nhẹ nhàng", nhất là khi so sánh với các điều kiện phóng cực kỳ dữ dội, Packham cho biết.

Theo Packham, người tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn, tàu Columbia đã hư hại trong quá trình phóng khi một miếng xốp cách nhiệt vỡ ra - điều vẫn xảy ra trong gần như mọi vụ phóng trước và sau Columbia. Nhưng trong trường hợp này, miếng xốp đập vào cánh của tàu con thoi, làm hỏng nó. Phần cánh hư hỏng không thể chịu được nhiệt độ cao khi hồi quyển, khiến con tàu vỡ nát.

Apollo 1, dù chưa rời khỏi mặt đất, cũng lọt vào danh sách những vụ tai nạn vũ trụ chết người. Một cuộc thử nghiệm trước khi phóng đã khiến hỏa hoạn bùng lên bên trong tàu, giết chết ba thành viên phi hành đoàn.

Năm 1967, tàu Soyuz 1  của Liên Xô đâm xuống đất khi hệ thống dù hỏng, khiến phi hành gia trên tàu thiệt mạng. Theo Packham, một phần nguyên nhân liên quan đến chính trị, vì đây là thời điểm cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu và vụ phóng được lên lịch trùng với một sự kiện chính trị dù những người quyết định biết rằng con tàu chưa sẵn sàng. Ông nói thêm, nhóm điều khiển nhiệm vụ nhận ra sẽ có vấn đề với hệ thống dù ngay khi tàu đi vào quỹ đạo.


Phi hành gia Georgy Dobrovolsky (giữa), Viktor Patsayev (trái) và Vladislav Volkov (phải) trong cabin của tàu vũ trụ Soyuz 11 năm 1971. (Ảnh: Bộ sưu tập Hulton-Deutsch/CORBIS/Corbis).

Ba phi hành gia cuối cùng của danh sách thiệt mạng trong một tai nạn giảm áp vào năm 1971. Đây là tai nạn duy nhất thực sự xảy ra bên ngoài khí quyển Trái đất. Nhìn chung, bay lên và lao xuống là những giai đoạn nguy hiểm nhất, theo Hermanson. Khi đó, bộ ba phi hành gia vừa sống hơn ba tuần trên trạm vũ trụ đầu tiên do Liên Xô thiết lập. Nhưng khi họ trở về Trái đất, con tàu bị giảm áp suất và họ cũng không có bộ đồ vũ trụ để bảo vệ.

Ngày nay, khoảng 650 người đã bay vào không gian và con số này sẽ tăng lên do ngày càng có nhiều chuyến bay thương mại, Packham nhận định. "Sẽ không bao giờ tránh được hết rủi ro. Đó là điều cần thiết để lên tới không gian", ông nói.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cần hiểu về những rủi ro liên quan. Vì vậy, Packham cùng các đồng nghiệp đang thu thập dữ liệu và tìm những cách tốt hơn để tính toán chính xác rủi ro mà các phi hành gia phải đối mặt. "Chúng ta phải cho họ biết khả năng trở về là bao nhiêu", ông nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất