Báu vật của Bát Đại Sơn: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu 1000 cây, gỗ có đặc tính "vạn người mê"!
Tại Trung Quốc, người ta chỉ tìm thấy 1 cây duy nhất!
Có gần 60.000 loài cây trên toàn cầu. Cây có tầm quan trọng sinh thái to lớn. Cây xác định và hình thành nên hệ sinh thái rừng bao phủ khoảng 31% diện tích đất của hành tinh chúng ta. Cây giúp bảo vệ môi trường và mang lại sinh kế địa phương, nền kinh tế quốc gia và thương mại toàn cầu.
Điều đáng nói, nhiều loài cây đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên. Theo Tổ chức Bảo tồn Vườn thực vật Quốc tế (BGCI), khoảng 17.500 loài cây trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số đó hơn 440 loài cây đang trên bờ vực tuyệt chủng, điều này có nghĩa là chúng chỉ còn chưa đến 50 cá thể trong tự nhiên mỗi loài.
Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liên tục cập nhật tình trạng, mức độ giảm sút số lượng các loài thực vật trên toàn cầu, nhằm kêu gọi nỗ lực bảo vệ và bảo tồn sự đa dạng của các loài cây.
Năm 2013, Sách Đỏ IUCN đưa một loài cây chỉ mọc tại Việt Nam và một phần ở Trung Quốc vào danh sách các loài cây bị đe dọa, phân hạng EN - Bị đe dọa tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên.
Loài cây đó là Bách vàng Việt Nam (Golden Vietnamese Cypress).
Báu vật của dãy Bát Đại Sơn cao nghìn mét
Bách vàng Việt Nam (danh pháp khoa học: Xanthocyparis vietnamensis) còn được gọi với tên khác là bách vàng, hoàng đàn vàng Việt Nam, thuộc họ Hoàng đàn Cupressaceae, lớp Thông.
Cận cảnh cây bách vàng Việt Nam. (Nguồn: CJ Earle).
Bách vàng Việt Nam trước đây đã được IUCN đánh giá là Cực kỳ nguy cấp dựa trên phạm vi phân bố rất hạn chế (EOO), diện tích cư trú (AOO) và sự suy giảm số lượng liên tục.
Bách vàng Việt Nam ban đầu được phát hiện ở dãy núi Bát Đại Sơn thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, phía bắc Việt Nam. Kể từ phát hiện đó, các quần thể phụ rất nhỏ cũng đã được tìm thấy ở hai tỉnh khác ở phía bắc Việt Nam (là Cao Bằng và Tuyên Quang) năm 1999.
Vào tháng 4/2012, một cây duy nhất đã được báo cáo từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mulun ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Phạm vi phân bố thực sự của loài này ở Trung Quốc hiện vẫn chưa được biết.
Dựa trên thông tin hiện tại, phạm vi xuất hiện ước tính khoảng 16.500 km vuông. Khu vực cư trú vẫn chưa chắc chắn nhưng được cho là hơn 10 km vuông, trong đó có 5-6 địa điểm và các quần thể phụ bị chia cắt nghiêm trọng.
Các cuộc khảo sát trong phạm vi Việt Nam cho thấy tổng số cá thể bách vàng Việt Nam trưởng thành có thể nằm trong khoảng từ 500 - 1.000 cá thể, phần lớn ở khu vực Bát Đại Sơn, mọc ở độ cao hơn 1000 mét của dãy núi. Xu hướng chung của quần thể này được cho là đang giảm. Vì mức độ quý hiếm này mà bách vàng Việt Nam được xem là "báu vật" của dãy núi Bát Đại Sơn nói riêng và thế giới nói chung.
Dựa trên nhiều phân tích, quan điểm phổ biến hiện nay là bách vàng Việt Nam (Xanthocyparis vietnamensis) là "chị em" với 2 loài bách Tân Thế giới (New World cypress) - là Callitropsis và Hesperocyparis.
Tại sao loài bách vàng Việt Nam này lại là "chị em" với 2 loài khác hiện là loài đặc hữu của Bắc và Trung Mỹ? Thông qua quá trình phân tích phát sinh loài, các nhà khoa học nhận thấy sự phân chia giữa bách vàng Việt Nam và các loài bách Tân Thế giới khác xảy ra vào Kỷ Eocene 45 triệu năm trước khi khí hậu ấm áp và ẩm ướt tồn tại ở vĩ độ cao.
Có khả năng là các tiền thân của bách vàng Việt Nam hiện đại đã có mặt ở các vùng phía Bắc của cả Bắc Mỹ và Châu Á trong Kỷ Eocene. Khi khí hậu dần thay đổi, bách Tân Thế giới và họ hàng châu Á của chúng - trong đó Xanthocyparis vietnamensis hiện là loài duy nhất còn sống sót - cũng dần dịch chuyển xuống phía Nam, để tìm môi trường sống thích hợp.
Mối đe dọa chính của bách vàng Việt Nam
Theo các chuyên gia sinh vật học, cây bách vàng Việt Nam có kích thước nhỏ đến trung bình (10-15 mét). Thân cây tròn, thẳng, đơn chân. Vỏ cây màu tím đến nâu đỏ, nhẵn và mỏng trên cành, bong thành từng mảng và dải mỏng; trên thân cây trưởng thành vỏ cây có màu nâu đến nâu xám, mềm và xơ, bong thành nhiều dải mỏng. Cành dài, lan rộng ít nhiều theo chiều ngang.
Bách vàng Việt Nam sở hữu thân cây tròn, thẳng. (Ảnh: Brewbooks/CC-BY-SA-4.0).
Loài này thường mọc cùng với các loài cây lá kim khác (loài chiếm ưu thế là Pseudotsuga sinensis họ Thông) và các loài thực vật hạt kín lá nhỏ, các loài lan biểu sinh, dương xỉ, rêu...
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), người ta ghi nhận cây bách vàng Việt Nam mọc ở độ cao 720 mét so với mực nước biển; trong khi ở Việt Nam, cây này thường mọc ở độ cao từ 1.000 đến 1.600 mét so với mực nước biển.
Đặc điểm độc đáo của loài bách vàng Việt Nam là mọc ở những địa điểm không thể tiếp cận/khó tiếp cận trên các gờ và đỉnh của các khối núi đá vôi dốc.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng mà khai thác cây bách vàng Việt Nam để lấy gỗ.
Việc chặt cây lấy gỗ là mối đe dọa chính đến số lượng của bách vàng Việt Nam. Điều đáng nói, hoạt động khai thác gỗ gia tăng trong những năm gần đây, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng cây lớn đang phát triển tốt. Điều này có thể đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự đa dạng di truyền của loài cây quý hiếm này.
Gỗ bách vàng Việt Nam có màu nâu vàng cùng mùi thơm nồng đặc biệt. (Ảnh: Internet).
Gỗ của loài cây này, cũng như lá của nó, được săn đón trong nền văn hóa Đông Á. Tên chi Xanthocyparis xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "bách vàng", ám chỉ màu sắc tuyệt đẹp của gỗ bách vàng Việt Nam.
Gỗ của loài cây này có đặc tính "vạn người mê": Thớ gỗ mịn, màu vàng nâu đẹp mắt, cực kỳ cứng và lại có mùi thơm nồng.
Chất lượng tuyệt hảo của gỗ, kết hợp với nhu cầu sử dụng loại gỗ hiếm của giới nhà giàu ở Đông Á (làm nhà, vật phẩm phong thủy, đồ mỹ nghệ...) cùng với tốc độ sinh trưởng chậm, đã khiến bách vàng Việt Nam trở thành loại gỗ có giá trị cực kỳ cao.
Bách vàng Việt Nam được Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt. (Nguồn: Thuvienphapluat).
Hiện nay, bách vàng Việt Nam được xếp vào Nhóm IA của Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng Nguy cấp, Quý, Hiếm (Kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2021 của Chính phủ), nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, buôn bán.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) ví cây là "kỹ sư hệ sinh thái chính" vì cây có thể làm sạch nước, ngăn ngừa xói mòn, phòng chống lũ lụt, cô lập carbon, kiểm soát nhiệt độ không khí và điều chỉnh chất lượng không khí;
Đồng thời cây cung cấp nhiều loại sản phẩm có giá trị to lớn cho sinh kế địa phương, nền kinh tế quốc gia và thương mại toàn cầu. Gỗ, củi, bột giấy, sản phẩm thuốc và hương liệu, trái cây và hạt là một trong những sản phẩm có giá trị nhất có nguồn gốc từ cây.
Do đó, các nỗ lực bảo vệ các loài cây có nguy cơ tuyệt chủng cấp độ địa phương, nhà nước, quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và thúc đẩy sự đa dạng các loài thực vật cho Trái đất.
- Nhân giống loại cây còn duy nhất một cá thể trên Trái đất, hiếm tới mức được bảo vệ 24/24
- Cây cực hiếm 100 năm mới trổ hoa rồi chết
- "Sứ giả thời tiền sử" duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup