"Sứ giả thời tiền sử" duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup

Loài cổ thực vật có tên thông hai lá dẹt được cho là "sứ giả thời tiền sử", sống cùng thời với khủng long, vẫn đang hiện diện ngay trong rừng Bidoup

Trên thế giới chỉ có duy nhất ở Việt Nam, ngay trong Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) và vùng phụ cận, loài cổ thực vật có tên thông hai lá dẹt được cho là “sứ giả thời tiền sử”, sống cùng thời với khủng long còn hiện diện.

Sứ giả thời tiền sử duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup
Cây thông hai lá dẹt trên dưới 1.000 năm tuổi ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. (Ảnh: G.B).

Truy tìm cổ thực vật thông hai lá dẹt

Nghe đồn nhiều về loài cổ thực vật thông hai lá dẹt này, chúng tôi quyết định chọn ngày đẹp trời vào rừng Bidoup Núi Bà để mục sở thị. Phải chọn ngày đẹp, bởi khu vực này hầu như quanh năm sương mù bao phủ và chuyện trời mưa liên tục là bình thường nên nếu đi trúng lúc trời mưa thì việc lội bộ trong rừng sẽ khó khăn hơn.

Thế nhưng, khi chúng tôi lên đường ở TP. Đà Lạt trời đẹp, vượt xong đoạn đường 60km vào Trạm kiểm lâm Hòn Giao, thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà - giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa thì trời lại đổ mưa. Chúng tôi ghé trạm đón anh Nguyễn Đức Cường - một nhân viên kiểm lâm của VQG ở đây để nhờ làm “quan hướng đạo”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo lắng, anh Cường trấn an: “Mưa nhỏ vậy ăn thua gì, nhiều hôm mưa lớn, rồi sương mù không thấy gì luôn, như thế này thì đi tốt”. Hành trình truy tìm thông hai lá dẹt bắt đầu.

Sứ giả thời tiền sử duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup
Một cây thông hai lá dẹt tái sinh tự nhiên còn nhỏ.

Nói là truy tìm, nhưng thực ra chỉ có chúng tôi chưa biết, chứ mấy anh kiểm lâm ở đây và anh em thuộc VQG đã tỏ tường loài cây này. Vừa ra khỏi trạm được một đoạn trên QL27C (nối TP.Đà Lạt - TP.Nha Trang), anh Lê Văn Sơn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng, VQG Bidoup Núi Bà chỉ tay về hướng xa, nói: “Đấy, cây thông hai lá dẹt đó”. Chúng tôi thoạt mừng, tưởng rất gần, nhưng khi nhìn tay anh Sơn chỉ và giới thiệu đặc điểm nhận dạng của cây thông hai lá dẹt giữa rừng thì mới biết là còn xa. Hướng mắt quan sát theo chỉ dẫn của anh Sơn, rất nhiều tán cây hình rẻ quạt của loài thông hai lá dẹt này vươn lên một đoạn khá cao so với tán rừng bình thường. Biết vậy, trong lòng chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên. Đi thêm đường chính một đoạn, chúng tôi rẽ vào rừng theo con đường mòn nhỏ rồi đi sâu vào rừng nguyên sinh (thuộc tiểu khu 89, xã Đạ Chais, H.Lạc Dương). Dặn dò anh Cường đánh dấu đường đi để lát biết đường trở ra không bị lạc, anh Sơn liền đưa chúng tôi tìm đến vị trí của cây thông hai lá dẹt. Trong câu chuyện dọc đường, anh Sơn cho biết khu vực này là kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim với thảm mục dày khoảng 50cm.

Sau gần 1 giờ lội rừng, hiển hiện trước mắt chúng tôi là một cây thông to lớn với khoảng hơn 4 người ôm, đường kính ước chừng 2 m. Xung quanh cũng có nhiều cây thông hai lá dẹt khác nhưng nhỏ hơn, thậm chí có cây đã chết tự nhiên và một cây con khác đường kính gốc khoảng dưới 10 cm đã được ai đó đánh dấu bảo vệ. Cũng theo anh Sơn, sở dĩ gọi là thông hai lá dẹt vì lá cây này hình dẹt trông như lưỡi kiếm chứ không giống những lá thông bình thường khác.

Chỉ có duy nhất ở Việt Nam

Theo các tài liệu để lại, thông hai lá dẹt được nhà thực vật học người Đức M.Krempfii phát hiện vào cuối thế kỷ 19 ở Lâm Đồng. Sự việc này đã gây chấn động giới khoa học trong và ngoài nước lúc bấy giờ. Sau đó, nhiều nhà khoa học khác đã vào cuộc nghiên cứu, và đến những năm 1920, các nhà khoa học người Mỹ cho rằng đây là giống Ducanpopinus - hóa thạch sống của một loài thực vật cổ sinh cùng thời với loài khủng long. Điều đặc biệt và cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn, bởi bất cứ loài nào cũng phát triển và tiến hóa theo thời gian, nhưng thông hai lá dẹt có thể sống cả hàng triệu năm mà lại hầu như không có biến đổi nào về gene.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp VN, cho hay, thông hai lá dẹt là loài thông cổ, trên thế giới chỉ có độc nhất ở VN. Đây là loài thông đặc hữu của Việt nam, được phát hiện tập trung ở Lâm Đồng và vùng phụ cận. Thông hai lá dẹt gặp ở độ cao 1.000 - 2.000m, song thường mọc tập trung nhất trên độ cao 1.200 - 1.800 m. Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng về đường kính chỉ đạt khoảng 1mm/năm, nếu cây có đường kính trên dưới 2m thì tuổi cây có thể đạt tới cả nghìn năm.

Sứ giả thời tiền sử duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup
Lá của cây thông hai lá dẹt còn nhỏ.

Trong khi đó, Th.S Lê Cảnh Nam, nghiên cứu viên Viện Khoa học lâm nghiệp nam Trung bộ và Tây nguyên (Viện Khoa học lâm nghiệp VN), cho hay thông hai lá dẹt là một loài cây cổ, quý hiếm, có từ thời kỳ khủng long. Kết quả điều tra đến nay cho thấy có khoảng trên 1.000 cây; trong đó số cây tập trung ở cấp kính lớn khoảng 40 cm trở lên là rất nhiều, còn những cây cấp kính cỡ 10 - 15 cm thuộc thế hệ trung gian thì rất ít.

“Thông hai lá dẹt rất có giá trị khoa học, vì quý hiếm và chỉ có duy nhất ở VN nên được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Gần đây, các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thông qua vòng năm cây rừng, đã tập trung vào loài cây này để nghiên cứu nhằm xác lập, tìm hiểu lịch sử khí hậu ở khu vực trong vài trăm năm trước đây”, Th.S Nam thông tin.

Sứ giả thời tiền sử duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup
Phần rễ cây nổi lên trên mặt đất cũng rất “khủng”.

Nguy cơ đe dọa cao, cần bảo tồn

Theo Sách đỏ VN, thông hai lá dẹt được xếp vào cấp 5 - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng), trong khi đó theo tiêu chuẩn IUCN thì loài này được xếp vào cấp EN - nguy cấp. PGS-TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cho hay đây là loài có giá trị rất cao về phương diện khoa học, một nguồn gene cây lá kim độc nhất chỉ có ở Việt Nam và hiện đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi rừng tự nhiên bị suy thoái, một số cây thông hai lá dẹt bị mất môi trường sinh sống tối ưu, bị chết trụi; nhiều cây quá già cũng tự đổ gãy. Hơn nữa các quần thể thông hai lá dẹt hiện có kích thước nhỏ với số lượng cá thể trưởng thành thấp (dưới 100 cây/quần thể), phân bố rất rải rác và bị chia cắt bởi địa hình núi cao, do vậy đa dạng di truyền của một số quần thể là thấp.

Sứ giả thời tiền sử duy nhất trên thế giới trong rừng Bidoup
Quả và lá già của thông hai lá dẹt.

Cùng quan điểm, Th.S Lê Cảnh Nam cũng cho hay, nguy cơ đe dọa tuyệt chủng loài này là rất lớn. “Cho đến nay cũng có một vài nghiên cứu về bảo tồn, tuy nhiên các đề tài thực hiện ở quy mô rất nhỏ. Từng có một nghiên cứu về cây lá kim ở VQG Bidoup Núi Bà và VQG đã xây dựng được mô hình bảo tồn nội vi tại vườn với diện tích 1 ha. Tỷ lệ sống sau khi trồng 1 tháng khá cao, với trên 95%; tuy nhiên sau 1 năm thì tỷ lệ sống lại giảm xuống chỉ còn trên 51%, điều này cho thấy để duy trì được việc bảo tồn thì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu”, Th.S Nam cho biết.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cho rằng việc bảo tồn loài cây này thì bảo tồn tại chỗ (in situ) là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó duy trì hệ sinh thái phù hợp với điều kiện sống hiện tại của loài. Bên cạnh đó, do những khó khăn về tái sinh tự nhiên liên tục trong rừng già nguyên sinh, nên bảo tồn chuyển chỗ (ex situ) cũng đóng một vai trò không nhỏ. Ngoài ra cũng cần tiến hành các nghiên cứu cơ bản về di truyền học cho toàn bộ các khu phân bố để xác định chính xác các khu vực cần quy hoạch cho bảo tồn loài cây quý hiếm này.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Khoa học vừa tìm ra một khả năng cực kỳ kinh khủng của loài gián Đức

Khoa học vừa tìm ra một khả năng cực kỳ kinh khủng của loài gián Đức

Bảo sao mà chúng khó tiêu diệt các bạn ạ.

Đăng ngày: 01/07/2019
Các nhà khoa học rải vi khuẩn lên bom của Đức Quốc xã chìm dưới biển

Các nhà khoa học rải vi khuẩn lên bom của Đức Quốc xã chìm dưới biển

Dưới đáy biển Baltic đang ẩn dấu nguồn đạn dược đang rỉ sét, đủ để hủy diệt dân số của một số thành phố lớn.

Đăng ngày: 29/06/2019
Reddit đang um sùm vì loài cây cho ra hoa giống hệt con chim ruồi!

Reddit đang um sùm vì loài cây cho ra hoa giống hệt con chim ruồi!

Trên internet đâu chỉ có mỗi meme...

Đăng ngày: 27/06/2019
Loại nấm buộc ve sầu giao phối khi mất mất bộ phận sinh dục

Loại nấm buộc ve sầu giao phối khi mất mất bộ phận sinh dục

Một loại nấm ký sinh không chỉ làm nổ bụng ve sầu để phát tán bào tử mà còn điều khiển chúng giao phối đến chết để tăng lây nhiễm.

Đăng ngày: 27/06/2019
Phát hiện các virus có thể tiêu diệt vi khuẩn trong giẻ rửa bát

Phát hiện các virus có thể tiêu diệt vi khuẩn trong giẻ rửa bát

Nghiên cứu mới về các loại virus trong giẻ rửa bát có thể ăn vi khuẩn có thể hữu ích trong cuộc chiến chống vi khuẩn, vốn không thể tiêu diệt chỉ bằng thuốc kháng sinh.

Đăng ngày: 24/06/2019
Dân miền núi Nga khốn đốn vì ruồi phủ kín bầu trời

Dân miền núi Nga khốn đốn vì ruồi phủ kín bầu trời

Người dân ở khu vực gần dãy núi Ural (Nga) mỗi ngày quét cả xô xác ruồi chết sau khi nơi này bị đàn ruồi khổng lồ tấn công.

Đăng ngày: 21/06/2019
Phát hiện thêm khả năng đáng sợ của cây ăn thịt tại Bắc Mỹ

Phát hiện thêm khả năng đáng sợ của cây ăn thịt tại Bắc Mỹ

Một khả năng đầy bất ngờ đối với các loài cây ăn thịt sinh sống tại phương Bắc.

Đăng ngày: 20/06/2019
Tiêu điểm
Khoa Học News