Bí ẩn Hieroglyph - Chữ tượng hình Ai Cập cổ đại mệnh danh ngôn ngữ của thiên giới

Hieroglyph - Chữ tượng hình Ai Cập cổ là một trong những hệ thống chữ viết lâu đời nhất trên thế giới, tồn tại vào khoảng 5.200 năm trước.

Được biết đến trong thời Ai Cập cổ đại như là “ngôn ngữ của Thiên giới” và được tạo ra bởi trí tuệ của vị thần trí tuệ Thoth.

Chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại


Chữ tượng hình được tạo ra bởi trí tuệ của vị thần trí tuệ Thoth.

Chữ tượng hình được sử dụng trong các hoàng tộc và được sử dụng bởi các Pharaoh quyền uy để ghi lại những thành quả của triều đại của họ. Ngày nay, hàng triệu chữ tượng hình trên các bản ghi tôn giáo, quan tài, hầm mộ và những tượng đài còn tồn tại như để ghi nhớ kỷ nguyên văn minh đã qua.

Các thầy tu sử dụng chữ tượng hình để ghi lời cầu nguyện và những bài giảng liên quan đến cuộc sống sau khi chết và kính ngưỡng các vị thần. Khi trang trí cho ngôi mộ của mình, nhiều cư dân Ai Cập đã cho khắc chữ tượng hình về cuộc sống ở thế giới bên kia lên tường hầm mộ và xung quanh phía trong quan tài. Ký tự hình ô van trên quan tài là một loại tước hiệu riêng của hoàng tộc, thường ở dạng thuôn và có thể được tìm thấy trên các đài tưởng niệm Ai Cập và các tài liệu giấy cói cổ.

Các chữ tượng hình khắc trên các bức tường của đền đài, các đài tưởng niệm khác để trang trí có ý nghĩa rất thần thánh. Những đoạn của cuốn “Sách về thế giới bên kia”, một bộ thành ngữ mà người Ai Cập cổ tin tưởng rằng chúng sẽ dẫn đường cho họ ở “thế giới bên kia”, luôn được khắc lên quan tài của họ.

Các chữ tượng hình trên tường các đền đài, hầm mộ và đài tưởng niệm có mối quan hệ thần thánh tới sự “vĩnh hằng”. Chữ tượng hình có ý nghĩa quan trọng như một phương tiện giao tiếp với các vị Thần và người Ai Cập tin rằng ngôn ngữ của họ là một món quà của thần Thoth, thần Mặt trăng và nữ thần Seshat (thần cai quản về trí tuệ và văn tự).

Thoạt nhìn một số chữ, người xem có thể hiểu nó vẽ cái chi vì tranh vẽ con chim, con bọ hay một người chẳng hạn, giúp nhận định người xưa vẽ con chim, tả một loài chim nào đó. Song nhìn kỹ lại thì lập tức bị rối trí vì bên cạnh con chim ấy còn có khá nhiều họa tiết khác, lập thành nhóm như chiếc lá, cái gậy, ổ bánh, bàn ghế, bình vại, sợi dây hay sấp vải…, rồi ở cạnh hình người nhỏ xíu lại thấy hình một vị thần đầu chim vĩ đại đỡ mặt trời, trong khi đó không xa là một vị thần khác mang đầu chó đang cân tim với một chiếc lông ngỗng…


Chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại.

Cũng vì thế, ngay cả khi Ai Cập bấy giờ là trung tâm văn hóa, trí tuệ của thời đại, đa số dân gian vẫn mù chữ, một phần là do không có thời gian học tập, một phần là vì không được học hành. Đối tượng duy nhất ở đây được tiếp xúc thường xuyên với chữ viết tượng hình, là tầng lớp quý tộc - vua chúa và tăng lữ nhờ có địa vị, của cải.

Và điều quan trọng hơn là chữ viết tượng hình được xem là ngôn ngữ của thần linh nên chỉ có hoàng gia, tư tế mới được nghe, và nó cũng chỉ xuất hiện ở các đền đài, cung điện, lăng tẩm, thỉnh thoảng mới lọt ra ngoài qua các chiếu chỉ, tranh tượng- vật dụng cần công bố. Về nghĩa đen, chữ viết tượng hình chính là những nét khắc linh thiêng, thần thánh.

Chúng giống như những bức tranh để ngắm từ xa, chứ không ai dám đụng tới vì là lời nói của đế vương - Pharaoh, và cao hơn là thần linh, trong đó có thần trí tuệ Thoth nhằm giúp vua ghi lại những thành tựu trong vương quốc từ cách đây 5.200 năm. 

Có đến hơn 2.000 ký tự, hình khắc trong hệ thống chữ viết Ai Cập cổ đại. Mỗi hình thể hiện cho một vật, âm tiết chỉ vật ấy và ý tưởng liên quan đến nó. Chúng thường được khắc trên các bức tường, áo quan và một số đồ đạc lẫn trang sức với mật độ dày đặc, nhưng có chia dòng nhằm chuyển tải hết nghĩa.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ viết tượng hình đã xuất hiện vào thời Naqada III, là lúc Ai Cập cổ đại đạt tới đỉnh cao của sự văn minh nhờ nhiều đột phá trong văn hóa và công nghệ. Về văn hóa, họ đã sáng chế chữ viết, giấy viết, bánh mì, rượu bia, quần áo đa dạng và về công nghệ thì có kỹ thuật xây dựng đền đài kỳ vĩ, bao gồm các kim tự tháp sừng sững.

Chữ viết tượng hình là những thần ngôn, vương ý nên luôn được khắc, vẽ tại mọi đền đài, lăng tẩm hoàng gia trên khắp Ai Cập. Có tới hàng chục, hàng trăm triệu chữ tượng hình như vậy, chỗ mờ chỗ đậm, thậm chí bị khuyết do quá trình khai quật, trộm cướp song vẫn đủ làm sống dậy những ký ức về một nền văn minh sớm nhất và thịnh vượng nhất trong lịch sử loài người.

Tấm đá Rosseta nổi tiếng

Người được giao nhiệm vụ ghi chép, cũng như giảng dạy hieroglyph là các thầy tế, thủ thư và nô bộc hoàng gia. Cả cuộc đời của họ luôn gắn liền với việc xây dựng và trạm trổ những biểu tượng trên nhà cửa, kiến trúc. 

Nội dung được tả khá phong phú, từ những lời tán tụng thần linh tới những hướng dẫn cúng tế, sinh hoạt trong ngoài cung, và đặc biệt là cách ướp xác, đưa tiễn và triệu hồi linh hồn người chết, với niềm tin người chết sẽ sống lại, trở về như một vị thần. Ngoài ra, còn có những lời khen thưởng và trừng phạt cùng nhiều lời nguyền để ngăn cản những ai dám động tới đền thờ hay nơi an nghỉ của nhà vua. Những chỉ dẫn như vậy thường dài bằng cả bức tường và chứa nhiều cảnh tượng hoành tráng, tuyệt đẹp.

Không có ai đọc được hệ chữ Ai Cập cổ trong suốt 1.400 năm, cho đến khi nhà nghiên cứu người Pháp, ông Jean-Francois Champollion, cha đẻ của Ai Cập học, đã giải nghĩa được tấm đá Rosseta vào năm 1822. Tấm đá Rosseta có khắc một sắc lệnh năm 196 trước Công nguyên viết bằng 3 ngôn ngữ bởi các thầy tu vùng Memphis.

Nội dung của tấm đá được viết bởi một nhóm các thầy tu Ai Cập để ca ngợi Pharaoh Ai Cập. Nó được viết bằng ba ngôn ngữ, bao gồm chữ tượng hình Ai Cập sử dụng để viết các tài liệu tôn giáo, chữ Hy Lạp - một loại chữ viết các luật lệ vào thời gian đó, và chữ bình dân. Phải mất 20 năm để giải mã tấm đá Rosseta này sau khi được khai quật vào thời Napoleon chinh phục Ai Cập năm 1799.


Tảng đá nổi tiếng Rosetta.

Việc tìm thấy tảng đá Rosetta có thể nói là một điều may mắn vô cùng đối với ngành khảo cổ vì chỉ có nó, khoa học mới dịch nổi tiếng Ai Cập cổ đại, song điều may mắn trước nữa là khi người Hy Lạp cổ đại đến đây, nhiều người viết chữ đã học tiếng Hy Lạp và cùng khắc nó với chữ viết tượng hình ở giai đoạn cuối cùng của nền văn minh này. Tảng đá Rosetta chính là một tấm bia ghi sắc lệnh của vua Ptlolemy V (Hy Lạp) tại thành phố Memphis cách đây 2.196 năm.

Sau khi được trưng bày tại một ngôi đền đến thời Trung Cổ, nó đã bị di chuyển nhiều nơi, rồi làm vật liệu cho pháo đài Julien (Rosetta), và một mảng của nó, nặng hơn 756 kg, đã nằm lăn lóc ven đường và lọt vào mắt xanh của chàng sĩ quan quân đội tên là Pierre Bouchard. Và qua đó, người ta đã hiểu được nó bằng tiếng Hy Lạp, rồi chuyển thể sang nhiều thứ tiếng khác.

Có thể thấy, ngôn ngữ Ai Cập cổ đại biểu trưng cho các giá trị đạo đức và nền văn hoá tín Thần của người Ai Cập. Họ tin vào mối liên hệ mật thiết giữa con người và các vị Thần, cũng như sự “vĩnh hằng” mà một linh hồn có thể đạt được khi kết nối với thế giới tâm linh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất