Bị cá sấu cắn gãy chân, ngựa vằn làm nên điều không tưởng

Cuộc chiến sinh tồn trong thế giới tự nhiên luôn khốc liệt và có cả những phép màu không tưởng. Có những chuyện nghe qua tưởng phi lý nhưng lại thực sự diễn ra khiến không ít người kinh ngạc.

Trong video được ghi lại ở Công viên quốc gia Kruger (Nam Phi), một con ngựa vằn đã không may mắn bị cá sấu tấn công. Nó ngoạm vào chân trước của ngựa vằn, khiến con vật bị trọng thương và mất khả năng chống đỡ.

Không những thế, còn có tới 2 con cá sấu háu đói đang chực chờ dưới nước để "xơi tái" ngựa vằn. Nhìn vào tình cảnh này, không ai nghĩ nó có thể giữ được mạng sống của mình.

Thế nhưng, ngựa vằn quyết không bỏ cuộc và kiên trì giành giật sự sống với "ông vua đầm lầy". Bằng mọi cách có thể, nó quẫy đạp, dùng sức để kéo con cá sấu lên vùng nước nông, rồi ra sức cắn vào vùng mắt dễ bị tổn thương của kẻ địch.

Rốt cuộc, điều thần kỳ đã xảy ra khi ngựa vằn làm nên điều không tưởng: Nó thoát khỏi hàm răng của cá sấu trong khoảnh khắc kẻ địch lơi lỏng, và chạy được lên bờ với một cái chân bị gãy.

Dù tương lai vẫn còn đầy thách thức khi có vô số những kẻ săn mồi khác đang chờ, nhưng con ngựa vằn thực sự đáng khen ngợi vì nỗ lực đáng kinh ngạc của nó.


Ngựa vằn luôn phải đối mặt với những kẻ săn mồi hung dữ như cá sấu, sư tử, báo đốm..

Mặc dù cuộc sống tự nhiên khắc nghiệt khiến ngựa vằn luôn phải đối mặt với những kẻ săn mồi hung dữ như cá sấu, sư tử, báo đốm... Song chính cuộc sống hiện đại của con người mới là thứ gây tác động lớn nhất đến quần thể ngựa vằn, khi chúng đã và vẫn đang bị săn bắn để lấy da, thịt. Tại một số vùng đồng quê, ngựa vằn còn cạnh tranh thức ăn với vật nuôi, gia súc nên đôi khi bị giết vì lý do này.

Trong đó, cá biệt loài ngựa vằn núi Cape đã bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng, với chỉ ít hơn 100 cá thể tính đến thập niên 1930. Nhờ những nỗ lực bảo tồn, quần thể này đã tăng lên khoảng 700 cá thể, nhưng vẫn còn nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Trong tiếng Việt, tên gọi ngựa vằn đơn giản chỉ là những con ngựa có vằn. Thực ra, họa tiết của chúng dạng sọc (trắng đen) hơn là các mảng màu vằn vện. Chính nhờ màu sắc đặc biệt này của ngựa vằn đã có tác dụng rất lớn, giúp chúng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.

Theo đó, màu sắc đen trắng xen kẽ giúp ngựa vằn giảm tới 70% lượng nhiệt của ánh Mặt trời hấp thụ vào cơ thể. Cách bố trí các sọc trên cơ thể ngựa vằn cũng rất độc đáo, nó tạo ra các dấu hiệu riêng cho mỗi con ngựa vằn giống như dấu vân tay của con người. Còn đối với ngựa vằn thì đó là các sọc ở vai hoặc cổ, giúp chúng nhận biết các thành viên trong đàn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất