Bị hải cẩu báo truy đuổi, chim cánh cụt vội vàng nhảy lên thuyền của du khách để trốn
Con chim cánh cụt Adelie lánh lạn trên thuyền chở du khách và được đưa trở về núi băng trôi an toàn sau cuộc rượt đuổi của hải cẩu báo.
Chim cánh cụt thoát hiểm nhờ nhảy lên thuyền chở du khách. (Video: Caters)
Nhiếp ảnh gia kiêm hướng dẫn viên Vladimir Seliverstov đến từ Nga ghi hình con chim cánh cụt Adelie trên thuyền trong chuyến thám hiểm ở Nam Cực. Con chim cánh cụt nhảy lên thuyền trong lúc chạy trốn hải cẩu báo. Sau khi thoát nạn, nó đi lại xung quanh và được du khách trên thuyền trả về với đồng loại trên núi băng trôi gần đó.
"Tôi đã chụp ảnh động vật hoang dã trong hơn 20 năm. Tôi chưa bao giờ trải qua điều gì tương tự như vậy trước đây nhưng một số bạn bè của tôi đã gặp. Chim cánh cụt có thể rất thoải mái với con người nhưng không phải mọi cá thể đều vậy", Seliverstov chia sẻ.
Con chim cánh cụt nhảy lên thuyền trong lúc chạy trốn hải cẩu báo.
Chim cánh cụt Adelie là loài chim cánh cụt phổ biến nhất ở Nam Cực. Chúng thích nghi tốt khi trên biển có ít băng hơn và tận hưởng điều kiện kiếm ăn thuận lợi này. Trong môi trường không có băng, chim cánh cụt Adelie có thể di chuyển nhiều hơn bằng cách bơi lội và tiếp cận nguồn thức ăn dễ dàng hơn. Đối với chim cánh cụt, bơi là cách di chuyển nhanh gấp 4 lần đi bằng chân. Chúng có thể rất nhanh nhẹn dưới nước nhưng lại khá chậm chạp khi đi trên cạn, theo nhà nghiên cứu Yuuki Watanabe ở Viện nghiên cứu vùng cực tại Mỹ.
Trong những thập kỷ gần đây, Nam Cực có diện tích băng trên biển tăng ổn định trong khi Bắc Cực trải qua sự sụt giảm mạnh. Từ lâu các nhà sinh vật học vùng cực đã biết chim cánh cụt có xu hướng tăng số lượng vào năm băng trên biển thưa thớt và sinh sản kém vào thời gian băng trên biển mở rộng nhiều nhất.
Hải cẩu báo có thể nặng tới hơn 380kg và có thể sống 12 - 15 năm trong tự nhiên. Chúng là động vật săn mồi nguy hiểm, chuyên ăn động vật máu nóng như các loài hải cẩu khác và chim chóc. Chúng có thể nhắm vào chim cánh cụt khi loài chim nhảy từ thềm băng xuống nước biển Nam Cực lạnh giá.
- Chế tạo thành công thiết bị lọc loại bỏ 99% CO2 có trong không khí, vận hành bằng hydro sạch
- Top 5 sự thật khoa học kỳ thú liên quan ăn uống
- Kỳ lạ cá mất đầu vẫn bơi lội tung tăng trong bể