Bi thảm 56 hài cốt trẻ em trong nghĩa trang hiến tế
Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy dấu tích thảm khốc của những cuộc hiến tế trẻ em nhằm đẩy lùi hiện tượng El Nino khoảng 600 năm về trước.
Nghĩa trang đau thương này bao gồm 56 bộ xương trẻ em từ 11-14 tuổi và 30 bộ xương lạc đà non, có niên đại những năm 1200-1400 sau công nguyên. Các dấu tích khác cho thấy nghi lễ tàn bạo này nhằm cầu thần linh đẩy lùi những cơn lũ lụt liên tiếp gây ra bởi El Nino.
Những hài cốt bọc trong vải - (ảnh: REUTERS).
Di tích thuộc về nền văn minh Chimu, một nền văn minh tiền Inca rực rỡ nhưng sớm tàn lụi tại Peru, nay thuộc quận Huanchaco, ở một thành phố ven biển Trujilo ở Đông Bắc Peru.
Giáo sư John Verano - một nhà nhân loại học tại Đại học Tulane (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy đây không phải nghĩa trang trẻ em thông thường mà là hậu quả của những cuộc hiến tế.
Người Chimu nhiều tầng lớp khác nhau đã tự nguyện hy sinh con cái họ để mong xoa dịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Các thiếu niên này chết đơn sơ trong lần vải quấn, không được chôn theo bất kỳ nghi lễ nào thể hiện tầng lớp xã hội như phong tục thời đó.
Những thiếu niên được chôn cất đơn sơ, không kèm theo các đồ tạo tác như phong tục thời đó - (ảnh: REUTERS).
Hàng chục nhà khảo cổ tập trung khai quật các hài cốt - (ảnh: REUTERS).
Các thi hài được chôn khá nông trong vùng hoang mạc cằn cỗi đất đá - (ảnh: REUTERS).
Các nhà khảo cổ phát hiện những bộ xương đầu tiên hồi đầu tháng 5. Trải qua quá trình khai quật công phu, họ vừa công bố phát hiện của mình với công chúng. Phát hiện này tăng thêm độ thảm khốc cho những nghi lễ hiến tế trẻ em thời Chimu.
Hồi tháng 4, thi thể 140 trẻ em và 200 lạc đà non khác cũng được phát hiện cách khu vực vừa khai quật chỉ vài km. Hiến tế trẻ em là nghi thức khá phổ biến trong nhiều nền văn minh ở Peru, bao gồm nền văn minh Inca nổi tiếng.
Khu vực chôn cất vô cùng rộng lớn - (ảnh: REUTERS)
Nghĩa trang hiến tế khác với di cốt 140 trẻ em được khai quật gần đó hồi tháng 4 - (ảnh: PERUVIAN MINISTRY OF CULTURE).
Tiến sĩ Gabriel Prieto Burmester, giám đốc Chương trình khảo cổ Huanchaco, phát biểu rằng không nơi đâu trên thế giới lại hy sinh con người khủng khiếp đến thế.
Các nhà khoa học bất ngờ vì mức độ bi thảm của các nghi thức hiến tế tại Peru - (ảnh: REUTERS).
Văn minh Chimu phát triển trên tàn dư của văn hóa Moche dọc bờ biển Peru từ nửa đầu thế kỷ 14. Đây là đế quốc lớn nhất ở Peru cho đến khi nền văn minh Inca xuất hiện. Họ sống trong một dải sa mạc rộng 30-160km nằm giữa Thái Bình Dương và dãy Andes.
Đây là một nền văn minh phức tạp, phân cấp xã hội sâu sắc. Họ xây dựng nhiều thành phố và các hệ thống tưới tiêu lớn, chủ yếu sinh tồn nhờ sản xuất nông nghiệp.