Biến chủng B1525 của virus corona nguy hiểm đến mức nào?

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh được cho là có khả năng kháng miễn dịch và tỷ lệ lây nhiễm cao. Các nhà khoa học còn cho rằng biến chủng này có thể kháng vaccine.

Trong những tuần gần đây, một số biến chủng mới của virus corona được phát hiện tại nhiều nơi trên toàn cầu. Điều này làm dấy lên mối lo về mức độ phức tạp của đại dịch mà thế giới phải đương đầu.

Các chuyên gia cho biết một biến chủng mới được xác định, có tên gọi là B1525, đã lây nhiễm cho ít nhất 33 bệnh nhân ở Anh.

Nhờ phương pháp sử dụng dữ liệu giải trình tự gen, các nhà khoa học đã bước đầu nắm được những thông tin quan trọng về biến thể mới của virus corona này, theo Guardian.

Tương đồng với biến chủng ở Nam Phi

Bên cạnh 33 bệnh nhân Covid-19 ở Anh, biến chủng B1525 đã lây lan sang ít nhất 11 quốc gia khác, bao gồm: Australia, Đan Mạch, Mỹ, Pháp, Canada và Nigeria.

Thông qua quá trình giải trình tự gen, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Anh, cho biết biến chủng B1525 có chung dạng đột biến E484K với các biến chủng nguy hiểm khác của virus corona được phát hiện ở Nam Phi và Brazil.

Đột biến E484K làm thay đổi hình dạng gai protein của virus. Dạng đột biến đặc biệt này khiến virus khó bị hệ thống miễn dịch của cơ thể người phát hiện hơn. Đây là điểm khiến các biến chủng chứa đột biến E484K trở nên nguy hiểm và khó lường hơn.

Biến chủng B1525 đồng thời chứa dạng đột biến Q677H, vốn được phát hiện nhiều ở Đan Mạch, Anh và Mỹ, và thể đột biến F888L.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của đột biến Q677H, giám đốc Vaughn Cooper của Trung tâm Sinh học và Y học Tiến hóa tại Đại học Y Pittsburgh, thành viên nhóm nghiên cứu, nói với CNN: "Đoạn gene đột biến (677) rất quan trọng vì nó nằm gần khu vực tập trung độc lực (của virus corona)".

"Chúng tôi nghĩ những đột biến này tương đối hiếm (so với các dạng đột biến khác, nhưng xác suất xuất hiện của chúng lại không đồng đều", ông Cooper nói thêm.

Làm giảm hiệu quả vaccine

Các chuyên gia lo ngại rằng dạng đột biến E484K có thể gây ra tình trạng kháng vaccine đối với virus corona, theo Telegraph.

"Các dạng đột biến mà giới khoa học đang đặc biệt chú ý là những thể có sự biến dạng về đoạn gene làm thay đổi khả năng thâm nhập vật chủ của virus", tiến sĩ Eleanor Gaunt tại Đại học Edinburgh cho biết.

Tiến sĩ Gaunt cũng đánh giá rằng đột biến E484K có thể "làm suy giảm chức năng bảo vệ" của vaccine Covid-19 mà hãng AstraZeneca phát triển nhằm phòng ngừa virus corona.

Bà Gaunt nói thêm rằng dù số ca phơi nhiễm biến chủng B1525 được phát hiện tương đối ít song rải rác ở nhiều quốc gia, cho thấy biến chủng này lưu hành nhờ vào sự thiếu cảnh giác khi du lịch của công dân các nước.

Biến chủng B1525 của virus corona nguy hiểm đến mức nào?
Tiến sĩ Eleanor Gaunt tại Đại học Edinburgh. (Ảnh: Đại học Edinburgh).

Tương tự, nhà vi khuẩn học Lawrence Young tại Viện Ung thư Phân tử Warwick cho rằng: "hai đột biến protein Q677H và F888L ở biến chủng B1525 là điểm đáng lưu tâm".

Tuy nhiên, giám đốc Yvonne Doyle của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết: "Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng mới (B1525) gây bệnh nặng hơn hoặc có khả năng lây nhiễm cao hơn".

Dẫu vậy, phó giáo sư về vi sinh tế bào Simon Clarke tại Đại học Reading, Anh cho rằng biến chủng B1525 là một mối nguy tiềm tàng.

"Chúng ta hiện chưa rõ biến thể mới này lây lan như thế nào, nhưng nếu nó thực sự có thể lây nhiễm nhanh và mạnh hơn thì mức độ hiệu quả của vaccine (Covid-19) được sản xuất trước đó nhiều khả năng sẽ bị suy giảm", phó giáo sư Clarke nhận xét.

"Tôi nghĩ rằng cho đến khi chúng ta biết thêm về những dạng đột biến này, bất kỳ biến chủng nào mang thể E484K đều phải được thử nghiệm đột biến vì nó dường như tạo ra khả năng kháng miễn dịch cho virus", phó giáo sư Clarke nói thêm.

Cách đối phó

Để đối phó với biến thể mới của virus corona, chính phủ Anh đã triển khai thử nghiệm đột biến và xác định trình tự bổ sung tại các khu vực được nhắm mục tiêu để theo dõi và ngăn chặn bất kỳ đợt bùng phát lan rộng nào.

Tiến sĩ Susan Hopkins, thuộc PHE, cho biết Vương quốc Anh đang xem xét tiêm mũi nhắc lại đối với những người đã chích ngừa vaccine Covid-19 để tránh rủi ro do các đột biến mới gây ra.

Biến chủng B1525 của virus corona nguy hiểm đến mức nào?
Tiến sĩ Susan Hopkins thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Anh. (Ảnh: Reuters).

Các hãng dược cũng đã bắt đầu điều chỉnh vaccine của họ để thích ứng với các biến chủng mới của virus corona.

Đầu tháng 2, AstraZeneca cho biết một phiên bản sửa đổi của vaccine Oxford - một phiên bản có khả năng vô hiệu hóa biến chủng 501Y.V2 ở Nam Phi - có thể được phân phối từ mùa thu năm nay.

Anh đang lên kế hoạch hoàn thành kế hoạch tiêm chủng toàn dân trước tháng 9. 15,6 triệu người tại nước này đã tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, trong khi 546.165 người đã tiêm mũi nhắc lại. Đây hiện là tốc độ triển khai tiêm phòng Covid-19 nhanh nhất trong số các cường quốc trên thế giới, theo ABC News.

Ngoài ra, Clive Dix, người đứng đầu nhóm quản lý chiến lược trang bị vaccine của Anh, cho biết nước này sẽ phê duyệt mua nhiều loại vaccine Covid-19 khác "trong tương lai rất gần".

Loading...
TIN CŨ HƠN
Những điều cần biết về các biến thể của SARS-CoV-2

Những điều cần biết về các biến thể của SARS-CoV-2

Virus có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm.

Đăng ngày: 18/02/2021
Vắc xin Covid-19: Hiệu quả 95% có nghĩa là gì?

Vắc xin Covid-19: Hiệu quả 95% có nghĩa là gì?

Như thế không có nghĩa là 5% trong số những người được tiêm vẫn bị mắc bệnh.

Đăng ngày: 17/02/2021
Đã có loại khẩu trang diệt được virus corona

Đã có loại khẩu trang diệt được virus corona

Khẩu trang Biox đã được quân đội Pháp thử nghiệm khả năng diệt virus corona và vi khuẩn. Dự kiến trong nửa đầu năm nay khẩu trang mới sẽ trình làng.

Đăng ngày: 17/02/2021
Tất cả virus corona trên thế giới nằm vừa trong một lon nước ngọt

Tất cả virus corona trên thế giới nằm vừa trong một lon nước ngọt

Nhà toán học Kit Yates từ Đại học Bath, Anh ước tính tất cả số virus corona trên thế giới chỉ chiếm thể tích vừa vặn bên trong một lon nước ngọt, theo Reuters

Đăng ngày: 17/02/2021
Phát hiện mới về biến chủng khiến ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng mạnh

Phát hiện mới về biến chủng khiến ca mắc Covid-19 ở châu Âu tăng mạnh

Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt một loại protein trong những cư dân ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể là thủ phạm khiến sự lây lan SARS-CoV-2 tại đây nhanh hơn nhiều lần so với châu Á.

Đăng ngày: 15/02/2021
Chủng virus SASR-CoV-2 gây ra chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á

Chủng virus SASR-CoV-2 gây ra chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, chủng virus SASR-CoV-2 gây ra chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất không phải biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ Anh mà là chủng mới lần đầu tiên xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á.

Đăng ngày: 13/02/2021
Liệu có phải biến đổi khí hậu đã dẫn tới SARS-CoV-2?

Liệu có phải biến đổi khí hậu đã dẫn tới SARS-CoV-2?

Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu ở miền nam Trung Quốc và sự xuất hiện của SARS-CoV-2.

Đăng ngày: 12/02/2021
Tiêu điểm
Khoa Học News