Biến đổi khí hậu khiến bão tồn tại lâu hơn khi đổ bộ vào đất liền
Theo một nghiên cứu mới, do biến đổi khí hậu, gần đây, các cơn bão duy trì sức mạnh lâu hơn khi chúng đổ bộ, gây ra sự tàn phá sâu trong đất liền.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature hôm 11-11, nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu có thể khiến các cơn bão giảm cường độ chậm hơn sau khi đổ bộ vào đất liền, vì chúng hoạt động như một bình nhiên liệu dự trữ cho độ ẩm.
Hình ảnh vệ tinh ba cơn bão vào ngày 11/9/2018 do NOAA cung cấp. Bão nhiệt đới Florence, phía trên bên trái, ở Đại Tây Dương. Ở tâm là bão nhiệt đới Isaac và ở bên phải là bão Helene. (Ảnh: NOAA qua AP).
Với cơn bão Eta đe dọa Florida và bờ biển vùng Vịnh trong thời gian này, tác giả chính của nghiên cứu cảnh báo về những thiệt hại ở cách xa bờ biển hơn trước đây.
Nghiên cứu mới đã xem xét 71 cơn bão Đại Tây Dương đổ bộ kể từ năm 1967. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong những năm 1960, các cơn bão đã giảm 2/3 sức gió trong vòng 17 giờ sau khi đổ bộ vào đất liền. Nhưng bây giờ nói chung phải mất 33 giờ để các cơn bão suy yếu cùng mức độ đó.
Bão Florence tràn qua Đại Tây Dương hướng đến Mỹ ngày 12-9-2018. (Ảnh: NASA qua AP).
Tác giả nghiên cứu Pinaki Chakraborty, Giáo sư động lực học chất lỏng tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản cho biết: “Đây là một sự phát triển rất nguy hiểm. Sự suy yếu của các cơn bão đã chậm đi rất nhiều”.
Năm 2018, bão Florence gây thiệt hại 24 tỷ USD, mất gần 50 giờ để suy giảm gần 2/3 sau khi đổ bộ gần bãi biển Wrightsville, Bắc Carolina, Mỹ, Giáo sư Chakraborty cho biết. Bão Higure năm 2016 đã mất hơn ba ngày để giảm cường độ sau khi đổ bộ vào vịnh Apalachee của Florida.
Giáo sư Chakraborty cho rằng, khi thế giới ấm lên vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, các thành phố trong đất liền như Atlanta sẽ phải chứng kiến nhiều thiệt hại hơn từ các cơn bão trong tương lai.
Nhà nghiên cứu bão Brian McNoldy, Đại học Miami, người không tham gia nghiên cứu bình luận: “Nếu kết luận của nhóm nghiên cứu là đúng, thì ít nhất ở vùng Đại Tây Dương, tỷ lệ bảo hiểm cần phải bắt đầu tăng lên và các quy tắc xây dựng cần được cải thiện... để bù đắp cho lượng mưa và gió phá hủy bổ sung”.
Nước lũ bao quanh nhà thờ và các tòa nhà khác ở Conway, SC, sau khi bão Florence tấn công Carolinas, Mỹ ngày 17-9-2018. (Ảnh: AP).
Có ít nghiên cứu về những gì các cơn bão gây ra khi chúng đổ bộ vào đất liền hơn là ngoài biển, vì vậy Giáo sư Chakraborty cho biết ông đã rất ngạc nhiên khi thấy xu hướng phân rã diễn ra lâu hơn.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, Chakraborty cho biết ông đã nghĩ rằng sự suy giảm cường độ sẽ không thay đổi trong những năm qua ngay cả với biến đổi khí hậu do con người tạo ra, bởi vì các cơn bão có xu hướng giảm cường độ khi bị cắt khỏi nguồn nước ấm cung cấp năng lượng cho chúng.
“Nó dừng lại, giống như một chiếc xe hết xăng”, ông nói. Nhưng các cơn bão không cạn kiệt khí đốt nhiều như vậy, đặc biệt là trong 25 năm qua khi xu hướng biến đổi khí hậu tăng tốc, Chakraborty cho biết.
Để tìm hiểu lý do tại sao, ông đã lập biểu đồ nhiệt độ đại dương gần nơi cơn bão đi qua và nhận thấy nó phản ánh xu hướng phân rã trên đất liền.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng các cơn bão giống hệt nhau ngoại trừ nhiệt độ nước. Nhìn thấy các cơn bão nước ấm hơn tan rã chậm hơn, họ đưa ra kết luận: “Xu hướng cho thấy sự tan rã của bão chậm lại là do nhiệt độ nước biển ấm hơn, gây ra bởi việc đốt than, dầu và khí tự nhiên”.
Nhà khoa học về bão và khí hậu Jim Kossin, người không tham gia nghiên cứu nhưng đã đánh giá trên tạp chí Nature: "Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một tín hiệu đáng kinh ngạc”.
Nghiên cứu này kết hợp với các nghiên cứu trước đây, trong đó có những nghiên cứu của Tiến sĩ Kossin, cho thấy các hệ thống nhiệt đới đang hoạt động chậm lại, ẩm ướt hơn, di chuyển nhiều hơn về các cực, và những cơn bão mạnh nhất đang mạnh dần lên.
- Những điều thú vị nhất loài người đã phát hiện ra sau 20 năm sống ngoài vũ trụ
- Quá trình thận lọc máu diễn ra như thế nào?
- Bức tranh kỳ lạ có tác dụng làm sạch không khí