Biến gạo thành đồ nhựa an toàn mang lại hy vọng cho Fukushima sau thảm hoạ hạt nhân
Jinichi Abe biết rằng gạo ông trồng tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vẫn sẽ có người mua ổn định, mặc dù nơi đây đang cố gắng hồi phục sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011.
Hy vọng của ông Abe bắt nguồn từ việc gạo trồng tại địa phương không thể bán làm thực phẩm do tin đồn về nồng độ phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng lại được nhiều công ty lớn khắp Nhật Bản sử dụng để tạo nhựa carbon thấp.
Hạt nhựa làm từ gạo tại nhà máy ở Namie. (Ảnh: Reuters).
Tháng 11/2022, công ty Biomass Resin đã mở một nhà máy tại Namie để chuyển gạo trồng tại địa phương thành các hạt nhựa. Những hạt nhựa chứa 50%-70% gạo này sau đó “biến hình” thành dĩa, thìa và hộp đựng thức ăn mang về tại các chuỗi nhà hàng, túi nhựa ở bưu điện và đồ lưu niệm tại sân bay lớn nhất Nhật Bản.
Các chuyên gia cho biết, lúa hấp thụ ít phóng xạ cesium và các xét nghiệm cho kết quả gạo tại đây không vượt quá mức giới hạn. Điều này đồng nghĩa với việc nhựa sản xuất từ gạo là an toàn. Giáo sư dự bị Atsushi Nakao tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi thực sự lấy làm tiếc khi gạo không được tiêu thụ do tin đồn về an toàn”.
Ông Abe (85 nuổi) chia sẻ: “Thiếu gạo, thị trấn này sẽ không thể hồi phục”. Ông cho biết gạo trồng tại Namie không thể bán được bởi các tin đồn và từng được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi trong những năm trước. Ông bộc bạch: “Ngay cả bây giờ chúng tôi cũng không thể bán chúng với tư cách là gạo Fukushima. Vì vậy, Biomass thực sự đã giúp đỡ rất nhiều. Chúng tôi đã có thể trồng lúa mà không phải lo lắng”.
Ông Jinichi Abe tại nơi sẽ được chuyển đổi thành cánh đồng trồng lúa. (Ảnh: Reuters).
Người lao động tại nhà máy ở nhà máy Biomass Resin ở Namie. (Ảnh: Reuters).
Biomass Resin sử dụng khoảng 1.500 tấn gạo tại Fukushima. (Ảnh: Reuters).
Nhà máy của Biomass Resin cách nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima Dai-ichi 7km. (Ảnh: Reuters).
Một số khu vực tại Namie chỉ cách nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima Dai-ichi của công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) 4 km. Thảm họa kép tháng 3/2011 đã gây ra hàng loạt sự cố tại nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima số 1. Khi đó, 150.000 người dân sống trong khu vực 20km gần nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima phải sơ tán. Người dân Namie cũng nằm trong nhóm này. Họ sau đó không thể trở lại quê nhà. Phải đến năm 2017, sau khi quá trình khử nhiễm đất đã được tiến hành trong nhiều năm, gần 2.000 người đã trở lại thị trấn, đây là con số khiêm tốn so với 21.000 người trước đây. Khoảng 80% khu vực trong thị trấn vẫn được xếp vào diện không đến lại gần.
Hiện tại, nơi đây có một trung tâm mua sắm, một phòng khám, một trường học kết hợp bậc tiểu học và trung học cơ sở cùng số lượng việc làm ít ỏi. Lãnh đạo Namie – ông Satoshi Konno thừa nhận mọi thứ “vẫn khó khăn” và “về cơ bản chúng tôi muốn các doanh nghiệp tạo việc làm, sản xuất”.
Kể từ năm 2017, có 8 công ty đã đến Namie, tạo ra 200 việc làm. Vẫn đang diễn ra các thảo luận giữa thị trấn với nhiều viện nghiên cứu và công ty có thể đưa thêm người đến.
Lãnh đạo của Biomass Resin Fukushima – ông Takemitsu Imazu chia sẻ: “Namie bị tấn công bởi 4 thảm họa – động đất, sóng thần, sự cố nhà máy năng lượng hạt nhân và các tin đồn xoay quanh nguy hiểm về phóng xạ. Thị trấn đã hồi phục khỏi động đất và sóng thần nhưng hai thảm họa còn lại vẫn là gánh nặng lớn. Bằng việc xây dựng nhà máy tại đây, chúng tôi muốn mang lại công việc và mời mọi người quay lại”.
Biomass Resin tuyển 10 nhân viên tại Namie và sử dụng khoảng 50 tấn gạo tại đây. Con trai của ông Abe đã nghỉ việc tại TEPCO và đồng hành cùng ông trồng gạo. Ông Abe chia sẻ: “Đây là điều quan trọng để giữ Namie tiến triển, thực sự là điều tốt cho thị trấn”.
- Những hình ảnh đầy bất ngờ về các loài động vật khi phải bó bột
- Trung Quốc ra mắt tàu chạy pin hydro và lithium nhanh nhất thế giới: Chỉ thải ra nước tinh khiết, sạc đầy trong 15 phút
- Choáng váng trước cảnh tượng tôm hùm đất ăn thịt ếch trong hang động