Biển sương mù phủ quanh hẻm núi Grand Canyon
Hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ làm xuất hiện một biển sương mù dày đặc phủ quanh hẻm núi Grand Canyon, Mỹ.
>>> Video: Biển sương mù phủ quanh hẻm núi Grand Canyon
Biển sương mù bắt đầu xuất hiện vào bao phủ quanh hẻm núi Grand Canyon, bang Arizona, Mỹ, từ ngày 29/11.
Các lớp sương mù dày đặc bao quanh các khe núi khi nhìn từ trên cao.
Theo đại diện của Công viên Quốc gia Grand Canyon, biển sương mù dày đặc được lý giải là do hiện tượng thời tiết đặc biệt được gọi là nghịch đảo nhiệt độ tạo ra. Hiện tượng này chỉ xuất hiện vài năm một lần và thường xảy ra vào mùa đông.
Khi xuất hiện hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ, các lớp không khí ấm ở trên trở thành một chiếc nắp khổng lồ nén tầng không khí lạnh bên trong các khe núi ở bên dưới. Toàn bộ không khí ô nhiễm và các lớp sương mù đều bị giữ lại ở gần mặt đất và không thể bay lên cao.
Đúng như tên gọi của nó, khi xuất hiện hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ, lớp không khí ở trên cao có nhiệt độ ấm hơn. Trong khi theo quy luật thông thường, nhiệt độ càng lên cao càng giảm dần.
Theo Trung tâm Thời tiết Quốc gia, hiện tượng đảo ngược thời tiết cũng có thể xảy ra từ 1-2 lần trong năm và thường chỉ xuất hiện ở một vài nơi trong các khe núi nhỏ thuộc Grand Canyon. Tuy nhiên, hiện tượng biển sương mù dày đặc bao phủ xung quanh toàn bộ khe núi khổng lồ là điều rất hiếm thấy.
Hiện tượng nghịch đảo hoàn toàn xuất hiện ở Grand Canyon, kéo dài trong 2 ngày, đặc biệt vào những ngày thời tiết đẹp và bầu trời trong xanh, không có nhiều mây, là hiện tượng 10 năm mới có một lần.
Hầu hết những người leo núi tới Grand Canyon để ngắm sông Colorado bên dưới khe núi. Tuy nhiên, việc quan sát được hiện tượng thời tiết độc đáo và hiếm có này đã khiến những người leo núi cảm thấy rất thích thú.
Hẻm núi Grand Canyon bị sông Colorado cắt tạo nên một khe núi có chiều dài 446km, chiều rộng từ 0,4 đến 24km và có độ sâu khoảng 1,6km. Grand Canyon nằm trọn gần như trong Vườn Quốc gia Grand Canyon. Đây là công viên quốc gia được Mỹ đưa vào hoạt động từ năm 1999.