Bố mẹ khá giả, trẻ nói tốt hơn
Chỉ đồ, vẫy tay tạm biệt và những cử chỉ thường ngày khác sẽ giúp các bé chập chững biết đi xây dựng vốn từ của mình. Điều đặc biệt là trình độ nói của trẻ còn phụ thuộc vào thu nhập của cha mẹ, các nhà nghiên cứu Mỹ tiết lộ.
Công bố trên tạp chí Science hôm nay, các nhà tâm lý cho biết thời điểm ở 14 tháng tuổi, những bé hay dùng cử chỉ hơn thì cũng có xu hướng đến từ những gia đình có thu nhập cao hơn, và có vốn từ vựng giàu hơn.
Trẻ chập chững biết đi thường giao tiếp bằng cách dùng cử chỉ, chẳng hạn đưa hai tay lên đòi bế, khá lâu trước khi chúng thực sự biết nói.
Người ta cũng biết rằng thường thì trẻ sinh ra trong những gia đình có thu nhập thấp bắt đầu đi học với vốn từ ít hơn các bạn giàu có hơn của chúng. Đó là vì những ông bố bà mẹ có trình độ cao hơn thì cũng có thu nhập cao hơn, và thường đọc sách hay nói chuyện với con mình nhiều hơn, sử dụng các câu phức tạp hơn.
Trẻ hay dùng cử chỉ hơn thì cũng biết nói tốt hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhóm đã nghiên cứu 50 gia đình ở vùng Chicago, quay các đoạn băng 90 phút về những đứa trẻ và cha mẹ chúng khi đang sinh hoạt bình thường ở nhà. Các cử chỉ ở đây không phải là những ngôn ngữ cơ thể thông thường.
Họ phát hiện thấy sự khác biệt trong việc sử dụng cử chỉ do chênh lệch địa vị kinh tế xã hội đã xuất hiện ngay khi trẻ 4 tháng tuổi.
Trung bình, những em bé từ các gia đình khá giả hơn thì tạo ra 25 cử chỉ có ý nghĩa trong mỗi 90 phút phim, so với chỉ 13 của nhóm trẻ nhà nghèo hơn.
Còn khi kiểm tra từ vựng của trẻ ở 4 tuổi rưỡi, những trẻ nhà nghèo hơn còn ghi điểm kém hơn nữa, chênh nhau khoảng 24 điểm.
Đó không phải là vì các bậc cha mẹ giàu có hơn thì hay dùng cử chỉ nhiều hơn, Peggy McCardle, từ Viện phát triển con người và sức khỏe trẻ em quốc gia Mỹ, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu này, nhấn mạnh.
"Mà đó là vì có nhiều loại cử chỉ khác nhau thể hiện cho những ý nghĩa khác nhau. Rõ ràng các bậc cha mẹ khá giả đã hỗ trợ con mình tốt hơn để thể hiện những điều đó".
"Sẽ không tổn hại gì nếu chúng tôi khuyến khích các bậc cha mẹ nói chuyện nhiều hơn nữa và dùng nhiều cử chỉ hơn nữa với con mình", các chuyên gia kết luận.