Bộ sưu tập sinh vật kỳ quái dưới đáy biển sâu
Sau khi chiêm ngưỡng những loài sinh vật biển quý hiếm này, hẳn nhiều người sẽ thấy việc bảo vệ đại dương quan trọng như thế nào.
>>> Điểm mặt những sinh vật "tàng hình" dưới đáy biển
>>> Hình ảnh các sinh vật biển "ma quái" dưới lòng đại dương
Cuộc sống của các loài sinh vật dưới đáy đại dương kỳ bí luôn là đề tài hấp dẫn không chỉ thu hút nhiều nhà khoa học mà cả những nhiếp ảnh gia. Và một trong số những nhà nhiếp ảnh có niềm đam mê tìm hiểu sinh vật đại dương là Susan Middleton.
Cô đã đem con người đến gần hơn với thế giới đại dương qua cuốn sách “Spineless” (Sinh vật không xương sống) - cuốn sách với những hình ảnh, thông tin miêu về cuộc sống của hơn 250 loài sinh vật biển không xương sống.
Hãy ngắm nhìn một số loài sinh vật biển góp mặt trong cuốn sách dưới đây để cùng cảm nhận vẻ đẹp kỳ lạ tỏa ra từ chúng.
Sứa mắt đỏ Medusa
Sứa mắt đỏ Medusa (tên khoa học: Polyorchis penicillatus) là một trong những loài sứa đẹp nhất của bờ biển Thái Bình Dương bởi sự lôi cuốn của những đốm mắt màu đỏ xung quanh các xúc tu.
Sên biển Nudibranch
Sên biển có tuổi thọ ngắn - không quá 4 tháng.
Đặc trưng nổi bật của loài sinh vật sống ở vùng biển nhiệt đới này là lớp da nhiều màu bắt mắt, lộ rõ khi vỏ của chúng bị mất đi trong quá trình trưởng thành. Nudibranch còn rất thông minh trong việc sử dụng màu sắc sặc sỡ của cơ thể để ngụy trang tránh kẻ thù.
Giun dẹp biển vành cam
Với một cơ thể bằng phẳng nên loài giun dẹp này không có hệ thống tuần hoàn mà chỉ đơn giản để oxy thâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các mô mà không cần quá trình hô hấp.
Đặc biệt hơn, giun dẹp biển vành cam còn sở hữu 2 cơ quan sinh dục nam và 3 - 5 cơ quan sinh sản nữ. Điều này khiến cho chúng trở thành một trong những loài lưỡng tính đặc biệt ở biển.
Hải quỳ biển
Tên gọi của loài sinh vật biển không xương này bắt nguồn từ hình dáng giống bông hoa hải quỳ trên cạn nhưng thật sự chúng lại mang đặc điểm nửa giống thực vật, nửa giống động vật với biệt danh “quái vật ăn thịt dưới biển”.
Khi ở dưới lòng đại dương thì bạn sẽ rất khó phát hiện được loài sinh vật này vì chúng có khả năng ngụy trang rất tinh tế. Nhờ vào hình dáng giống thân cây nên chúng dễ dàng ẩn thân trong các lớp cát để trốn tránh kẻ thù và đánh lừa con mồi.
Mực mụ
Mặc dù thường được gọi là mực nhưng chúng không phải là mực thật bởi nhìn chúng giống như một phép lai kết hợp giữa bạch tuộc và mực.
Mực mụ sống ở những vùng bãi triều thấp xuống sâu 300m xung quanh Bắc Thái Bình Dương từ Nhật Bản đến miền Nam California, thức ăn chủ yếu là tôm và các động vật giáp xác nhỏ.
Cua nhện biển trắng
Cua nhện biển trắng (tên khoa học: Tanaoa distinctus) không chỉ có hình dáng pha trộn giống loài nhện mà chúng còn có thể gây tổn thương cho con người nếu bạn vô tình chạm phải chúng.
Sao biển giòn hồng
Sở dĩ loài sinh vật này có tên gọi là sao biển giòn bởi những cánh tay của chúng dễ gãy nhằm tạo ra một sự phòng thủ cơ học.
Các nhà khoa học cho biết cấu trúc cơ thể của loài sao biển này ở dạng đối xứng tỏa tròn (radially symmetrical). Chúng có thể sử dụng bất kỳ sự kết hợp của cả 5 xúc tu ngoằn nghèo của cơ thể để di chuyển theo bất cứ hướng nào muốn.
Cua vàng ẩn sĩ (Hermit Crab)
Những con cua này thường sống trong vỏ ốc hay vật rỗng tương tự. Phần bụng của chúng thường mềm và không được bảo vệ.
Chính vì vậy mà chiếc vỏ ốc này đối với cua ẩn sĩ rất quan trọng, thường thì theo thời gian phát triển những chiếc vỏ ốc sẽ được thay thế để vừa với cơ thể.
Mực mắt đen trong suốt (Gonatus onyx)
Gonatus onyx là một loài mực trong họ Gonatidae được các nhà khoa học phát hiện năm 2000 ở phía Bắc Thái Bình Dương với điểm nhấn là đôi mắt to tròn đen tuyền và chiều dài cơ thể khoảng 18cm.