Bong bóng khổng lồ "ký sinh" thiên hà chứa Trái đất

Một cấu trúc dạng bong bóng ma quái mang tên eROSITA gắn vào hai bên đĩa thiên hà chứa Trái đất có thể không có nguồn gốc "quái vật" như suy nghĩ trước đây, mà ngược lại.

Theo Science Alert, dữ liệu từ vệ tinh Suzaku được đồng điều hành bởi hai cơ quan vũ trụ Mỹ - Nhật là NASA và JAXA đã ghi lại được điểm then chốt có thể giải thích cho eROSITA, vốn được nhận biết và gây hoang mang từ năm 2020.

Bong bóng eROSITA thật ra là một cặp, đối xứng, hình cầu và bên trong rỗng y như bong bóng, nằm lọt thỏm trong lớp vỏ khí khổng lồ vô hình của thiên hà chứa Trái đất Milky Way (Ngân Hà), mở rộng khoảng 45.661 năm ánh sáng về hai phía của đĩa thiên hà trung tâm.


Cặp bong bóng eROSITA như hai bóng ma màu vàng và cam ma quái "ký sinh" lên đĩa trung tâm của thiên hà chứa Trái đất - (Ảnh: Viện Max Planck về vật lý ngoài Trái đất).

Các khí năng lượng tạo thành bong bóng được cho là có nhiệt độ khá đồng đều, hơi cao và trong suốt. Khám phá mới cho thấy chúng còn phức tạp hơn thế.

"Mục tiêu của chúng tôi là tìm hiểu về môi trường xung quanh thiên hà, rất quan trọng để hiểu về cách thiên hà của chúng ta hình thành và phát triển" - nhà thiên học Anjali Gupta từ Trường Đại học Cộng đồng Bang Ohio (Mỹ) cho biết.

Dữ liệu Suzaku cho thấy ánh sáng tia X mà các đài thiên văn Trái đất ghi nhận ở bong bóng này không phải vì chúng nóng hơn môi trường xung quanh mà đơn giản vì các chất khí này có mật độ cao hơn.

Đối chiếu với 230 dữ liệu quan sát tia X, họ làm sáng tỏ cách bong bóng này hình thành, cho thấy nó không phải thứ phun ra từ dòng phản lực của lỗ đen quái vật như suy nghĩ trước đây.

Trái lại, chúng là biểu tượng của sự sống: Quá trình hình thành sao. Với giả thuyết mới này, có thể kết luật trung tâm thiên hà chứa Trái đất là một vùng hình thành sao cực kỳ mạnh mẽ dù có một lỗ đen quái vật đầy chết chóc trấn giữ.

Bên trong eROSITA là một cặp bong bóng khí nhỏ hơn gọi là bong bóng Femi, được NASA phát hiện từ năm 2010. Nghiên cứu mới này gợi ý bong bóng Femi có thể được tạo ra theo cách tương tự.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất