Bức ảnh kinh ngạc của Trái đất ở 1/3 giây ánh sáng: Bài test "độc" của Nhật Bản

Đằng sau bức ảnh này là bài kiểm tra quan trọng của tàu Nhật Bản.

Tàu đổ bộ Mặt trăng SLIM của Nhật Bản đã gửi về Nhà một hình ảnh kỳ lạ về Trái đất. Bức ảnh nhằm thử nghiệm độ nhạy của chiếc máy ảnh mà SLIM sẽ sử dụng để hỗ trợ quá trình hạ cánh chính xác trên Mặt trăng trong thời gian tới.


Hình ảnh Trái đất do tàu SLIM chụp ở khoảng cách 160.934km. (Ảnh: JAXA/SLIM).

Bức ảnh này đóng vai trò là bài kiểm tra (test) quan trọng đối với hệ thống camera của SLIM, một thành phần không thể thiếu trong việc đảm bảo hạ cánh chính xác lên Mặt trăng.

Hệ thống định vị dựa trên tầm nhìn và camera kép này được thiết kế đặc biệt để phân biệt vị trí miệng núi lửa bằng cách sử dụng dữ liệu trên tàu.

Bức ảnh được thực hiện ở khoảng cách cách Trái đất 100.000km. Khoảng cách này bằng một phần ba khoảng cách của ánh sáng di chuyển trong một giây. Mỗi một giây, ánh sáng đi được 300.000km.

Theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Tàu đổ bộ thông minh thám hiểm Mặt trăng (SLIM) được phóng trên tên lửa H-2A vào ngày 7/9/2023 từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản.

Nó đã vượt qua giai đoạn quan trọng đầu tiên trên quỹ đạo Trái đất và chụp ảnh hành tinh chúng ta.

Hình ảnh này đơn sắc cho thấy, Trái đất bị bao phủ một nửa trong bóng tối trong không gian rộng lớn.


Hình ảnh đầy đủ của tàu SLIM cho thấy vị trí của Nhật Bản trên Trái đất, và hình ảnh Mặt trăng. (Ảnh: JAXA).

Thực chất, bức ảnh này chụp 2 thiên thể là Trái đất và Mặt trăng của nó. Tuy nhiên, do là ảnh đơn sắc, cộng với hình ảnh được chụp từ rất xa nên Mặt trăng gần như không được nhìn thấy nếu không có chú thích.

SLIM của Nhật Bản: Cuộc trình diễn công nghệ khác biệt trên Mặt trăng

Các miệng núi lửa trên Mặt trăng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử của Mặt trăng mà còn là điểm mốc để các tàu đổ bộ tự định vị, dựa trên những dữ liệu lưu trên tàu vũ trụ trước đó.

Tàu đổ bộ của Nhật Bản sẽ sử dụng cách tiếp cận tương tự vì sứ mệnh của tàu nhằm mục đích trình diễn công nghệ hạ cánh chính xác trên Mặt trăng.

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết chiếc rover trên tàu đổ bộ SLIM hiện đã được bật nguồn và kiểm tra các chức năng.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Trong thời gian này, nhóm các nhà khoa học ở mặt đất sẽ sử dụng tần số vô tuyến nghiệp dư để liên lạc với tàu đổ bộ".

SLIM là sứ mệnh bề mặt Mặt trăng đầu tiên của Nhật Bản. Con tàu trị giá 100 triệu USD này đang thực hiện một lộ trình dài vòng quanh Mặt trăng.

Sẽ mất vài tháng để SLIM đến được quỹ đạo Mặt Trăng và thực hiện cuộc đổ bộ quan trọng của mình, Reuters thông tin.


Hình minh họa tàu SLIM của Nhật Bản. (Ảnh: JAXA).

JAXA vẫn chưa công bố ngày hạ cánh lên Mặt trăng theo lịch trình, mặc dù họ cho biết tàu vũ trụ sẽ mất 3 đến 4 tháng kể từ khi phóng để đến được Mặt trăng.

Tuyến đường dài hơn này giúp tiết kiệm nhiên liệu và phù hợp với khối lượng của tàu vũ trụ hạng nhẹ.

Khi đến quỹ đạo Mặt trăng, tàu vũ trụ sẽ chuẩn bị thể hiện khả năng chạm đất trong phạm vi 100 mét tính từ điểm hạ cánh mục tiêu.

Điều này nhằm mục đích xác minh các kỹ thuật hạ cánh, giúp ích cho các sứ mệnh đổ bộ phức tạp hơn trong tương lai.

Sứ mệnh SLIM khác biệt với các sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng trước đó của nhiều quốc gia khác, khi cố gắng hạ cánh ở một khu vực rộng hàng km, Iflscience cho biết.

Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa cho biết trong một cuộc họp báo rằng: "Mục tiêu lớn của SLIM là chứng minh khả năng hạ cánh có độ chính xác cao trên bề mặt Mặt trăng, thay vì hạ cánh ở nơi chúng tôi muốn".

Vụ phóng SLIM của Nhật Bản diễn ra 2 tuần sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt trăng thông qua sứ mệnh Chandrayaan-3 tới cực Nam Mặt trăng chưa từng được khám phá.

Hai nỗ lực hạ cánh lên Mặt trăng trước đó của Nhật Bản đã thất bại vào năm 2022. JAXA đã mất liên lạc với tàu đổ bộ OMOTENASHI và hủy bỏ nỗ lực hạ cánh vào tháng 11.

Tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1, do công ty khởi nghiệp Nhật Bản ispace (9348.T) sản xuất, đã bị rơi hồi tháng 4 khi cố gắng hạ xuống bề mặt Mặt trăng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất