Bụi vũ trụ có thể hất văng sinh vật sống trên khí quyển

Những hạt bụi vũ trụ lao qua Trái Đất mỗi ngày có thể đẩy sinh vật sống trên khí quyển văng vào không gian.

Nghiên cứu mới chỉ ra, bụi vũ trụ có thể lao qua khí quyển Trái Đất và đẩy bật các sinh vật sống trên đó vào không gian, di chuyển trong hệ Mặt Trời, thậm chí đến các hệ sao khác, Newsweek hôm 20/11 đưa tin. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrobiology, do Arjun Berera, nhà vật lý hạt tại Đại học Edinburgh, tiến hành.

Có khoảng 60 tấn bụi vũ trụ va chạm với Trái Đất mỗi ngày. Lượng bụi này có thể góp phần giúp khí quyển Trái hình thành và thực vật sinh trưởng. Một số hạt bụi đâm thẳng xuống Trái Đất, số khác chỉ sượt qua. Những hạt bụi này rất nhỏ và di chuyển với tốc độ cực nhanh, đôi khi lên đến gần 232.000km/h.


Mỗi ngày có 60 tấn bụi vũ trụ va chạm với Trái Đất. (Ảnh: Newsweek).

Theo tính toán của Berera, dòng bụi có thể đủ mạnh để va chạm và đẩy văng những sinh vật sống nhỏ trên khí quyển Trái Đất vào vũ trụ. Lực này có thể khiến chúng bay đến những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, thậm chí đến các hệ sao gần đó.

Nghiên cứu mới dựa trên hiện tượng một số sinh vật sống nhỏ tồn tại trên các lớp phía ngoài của khí quyển Trái Đất, theo Newsweek. Các nhà khoa học cho rằng, chúng còn có thể ảnh hưởng đến thời tiết. Thậm chí nếu chúng quá lớn và không thể sống sót khi văng khỏi Trái Đất, các hạt nhỏ hơn và thiết yếu cho sinh vật sống cũng sẽ bật ra khỏi khí quyển khi va chạm với bụi vũ trụ.

Berera cho rằng, các hạt bụi sượt qua Trái Đất có thể quét những vi khuẩn này và thành phần nhỏ hơn khỏi khí quyển văng vào vũ trụ. Từ đó, chúng có thể bám vào các thiên thể khác, ví dụ như sao chổi, và tiếp tục hành trình ngoài không gian.

Berera rất thận trọng với nghiên cứu mới. Ông lưu ý rằng việc thoát khỏi khí quyển Trái Đất không hề đơn giản. Chuyến du hành ngoài vũ trụ sau đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại và quá trình thoát khỏi hệ Mặt Trời có thể làm chết các sinh vật sống.

Tuy nhiên, nếu giả thuyết này chính xác thì việc vật chất trên Trái Đất văng vào vũ trụ sẽ xảy ra hàng ngày, khác với trường hợp thiên thạch đâm xuống cũng đẩy một số vật chất trên Trái Đất vào không gian hiếm khi xảy ra.

Bụi vũ trụ là gì?

Bụi vũ trụ là các hạt vật chất cỡ nhỏ phân tán trong khoảng không giữa các thiên thể. Theo quan niệm hiện nay, bụi vũ trụ cấu thành từ các hạt có kích thước khoảng 1 μm với lõi (nhân) là graphit và silicat. Trong các thiên hà, chúng tập hợp thành các đám mây như đám mây Oort và tinh vân.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất