Ca ghép ruột thành công từ người chết tim đầu tiên trên thế giới
Một bé gái người Tây Ban Nha vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép ruột thành công. Ca ghép ruột này được thực hiện tại bệnh viện Lapaz, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Người hiến tạng là một bệnh nhân đã chết tim. Thông thường, việc cấy ghép tạng chỉ được tiến hành khi người hiến tặng trong tình trạng chết não. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới cấy ghép thành công từ bệnh nhân hiến tặng chết tim.
Bé Emma, một tuổi, mắc chứng suy ruột cấp tính kể từ khi mới chỉ được 1 tháng tuổi. Sức khỏe của bệnh nhân bị suy giảm do cấu trúc ruột ngắn bẩm sinh. Các bác sỹ đã tiến hành ghép đa tạng cho Emma. Ngoài ruột, Emma còn được ghép gan, dạ dày, lá lách và tuyến tụy mới. Hiện Emma đã được 17 tháng tuổi, tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Các bác sĩ trong kíp mổ cấy ghép ruột đầu tiên trên thế giới tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 11/10. (Ảnh: Reuters)
Gửi lời cảm ơn đến gia đình người hiến tặng và các bác sĩ, mẹ của bé - cô Ana vui mừng chia sẻ: ''Thật tốt là Emma đã có thể sống sót. Cháu đã rất dũng cảm và khao khát tiếp tục sống, cháu đang vẫn nỗ lực và dần hồi phục mỗi ngày. Cháu làm chúng tôi ngạc nhiên với sự hồi phục thần kỳ. Chúng tôi rất vui mừng và thực sự biết ơn gia đình người hiến tặng, đội ngũ y tế và tất cả những người đã hỗ trợ chúng tôi trên con đường dài và rất khó khăn này. Tôi vẫn không thể tin được và luôn luôn biết ơn tổ chức xã hội hỗ trợ mà chúng tôi may mắn có ở Tây Ban Nha".
Tây Ban Nha là quốc gia đi đầu về công nghệ cấy ghép nội tạng. Năm 2021, nước này đã vượt qua Mỹ, thực hiện thành công hơn 102 ca cấy ghép nội tạng trên một triệu dân. Hầu hết các ca cấy ghép tạng bắt nguồn từ những người hiến tặng chỉ bị chết não nhưng vẫn giữ được nhịp tim, giúp hỗ trợ giữ cho các cơ quan nội tạng nguyên vẹn. Do đó, việc người hiến tặng đã ngừng tim khiến các bác sỹ phải thật cẩn trọng trong quá trình bảo quản nội tạng. Sau khi lấy tạng, các bộ phận sẽ được bảo quản nhân tạo - thông qua một hệ thống được gọi là Oxygen màng ngoài cơ thể (ECMO). Ở trường hợp của Emma, việc bảo quản nội tạng trở nên đặc biệt khó khăn vì một đoạn ruột không có tâm thu do đặc điểm của cơ quan tiêu hóa.
Chủ tịch Ủy ban y tế cộng đồng Madrid, ông Enrique Ruiz Escudero cho biết: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Madrid đã đạt được một cột mốc mới trong lịch sử, với thành tựu là kết quả của công việc xuất sắc được thực hiện bởi các chuyên gia tại quốc gia của chúng tôi. Trong trường hợp này, tôi xin chúc mừng bệnh viện La Paz và tất cả những người đóng góp thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên trên thế giới do người chết tim hiến tặng”.
Theo con số thống kê, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, số lượng các ca ghép tạng từ người hiến chết tim hiện đã chiếm khoảng 1/3 tổng số ca ghép tạng tại Tây Ban Nha.
- Các nhà khoa học lần đầu chạm vào cây cao nhất trong rừng Amazon
- Tìm ra "quái vật" già nhất vũ trụ, vụn cơ thể rơi xuống Trái đất thành sự sống
- Bí ẩn tảng đá nặng 800 tấn có hình thù kỳ lạ, thách thức giới khoa học