Cá nóc có thể xây những vòng tròn bí ẩn ngoài khơi Australia
Các nhà khoa học phát hiện hàng chục vòng tròn ngoài khơi bang Western tương tự tổ của cá nóc chuột vân bụng ở vùng biển Nhật Bản cách đó 5.500m.
Nhà sinh thái học hải dương Todd Bond ở Đại học Tây Australia tại Perth bắt gặp một vòng tròn ấn tượng dưới đáy biển ở độ sâu hơn 100m trong lúc tiến hành khảo sát ở thềm lục địa phía tây bắc Australia bằng phương tiện tự hành. Bond và đồng nghiệp tiếp tục khảo sát và tìm thấy thêm 20 vòng tròn nữa.
Cá nóc chuột vân bụng đực bơi gần chiếc tổ rộng 2m ở đảo Amami Oshima, Nhật Bản. (Ảnh: Paulo Oliveira/Alamy).
Các vòng tròn dưới nước được phát hiện lần đầu tiên vào thập niên 1990 ở ngoài khơi Nhật Bản nhưng phải mất hai thập kỷ, giới nghiên cứu mới tìm ra tác giả của những công trình này. Năm 2011, một nhóm nhà khoa học nhận dạng con đực thuộc loài cá nóc Torquigener tạo tổ bằng cách đào xới nền cát trong nhiều ngày và trang trí bằng vỏ sò để thu hút cá cái tới đẻ trứng ở chính giữa.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa thể xác nhận cá nóc xây tổ ở đáy biển Australia bằng video. Tuy nhiên, những công trình tại đây gần như giống hệt ở Nhật Bản, thậm chí có cùng số lượng đường rãnh, Bond và đồng nghiệp báo cáo trong số tháng 11/2020 của tạp chí Fish Biology. Khi một đồng nghiệp của Bond đặt hệ thống video ghi hình dưới nước trong khu vực, thiết bị tình cờ hạ xuống gần như ngay trên đỉnh một vòng tròn và quay được cảnh con cá nóc nhỏ vội vã trốn khỏi đó.
Những vòng tròn ở Australia nằm ở độ sâu lớn hơn là 130m so với khoảng 30m ở Nhật Bản. Cá nóc Australia trong khu vực thường sống ở vùng nước nông hơn, dấy lên nhiều câu hỏi về danh tính của loài tạo ra vòng tròn.
Theo Bond, hình ảnh ghi được có chất lượng quá kém để nhận dạng rõ ràng. Vòng tròn có thể được tạo ra bởi cùng loài cá nóc ở Nhật Bản là cá nóc chuột vân bụng (Torquigener albomaculosus) hoặc là một loài khác ở địa phương hay loài hoàn toàn mới. Theo Elisabet Forsgren, nhà sinh thái học hành vi ở Viện Nghiên cứu Tự nhiên Na Uy tại Trondheim, nếu những chiếc tổ là tín hiệu trực quan để thu hút con cái, chúng có thể rất khó quan sát ở địa điểm có ánh sáng yếu như vậy.