Cá thể chim quý hiếm sở hữu 2 màu lông đối nghịch

Màu sắc tuyệt đẹp của cá thể chim đã khiến giới điểu học ngỡ ngàng.

Trong chuyến đi nghỉ ở Colombia, John Murillo, một nhà điểu học nghiệp dư, cùng Hamish Spencer, một nhà động vật học, đã vô tình bắt gặp một chú chim quý hiếm với bộ lông 2 màu khác biệt. Được biết, đây là hiện tượng cực kỳ hiếm gặp ở các loài chim.


Cá thể chim quý hiếm sở hữu 2 màu lông đối nghịch được phát hiện ở Colombia. (Ảnh: John Murillo).

Hai chuyên gia lập tức nhận ra đây là chim honeycreeper xanh (tên khoa học: Chlorophanes spiza) - loài chim đặc hữu của quần đảo Hawaii - với kích thước tương đối nhỏ. Đây mới chỉ là trường hợp thứ 2 được ghi nhận về hiện tượng lưỡng sắc ở loài này trong hơn một thế kỷ.

Theo lý giải của các nhà điểu học, hiện tượng này xảy ra khi cá thể chim được sinh một nửa là đực và một nửa là cái, hay còn gọi là lưỡng tính (gynandromorph).

Chúng ta cũng thường quan sát thấy ở chim honeycreeper đực có bộ lông màu xanh lam, còn chim cái có bộ lông màu xanh lá cây. Trong khi đó, cá thể ở đây có cả 2 màu lông, chia đều sang 2 bên thân.

Hiện tượng lưỡng tính hai bên đã được ghi nhận ở các loài động vật khác, bao gồm ong, bướm, nhện và côn trùng. Tuy nhiên, đây là điều vô cùng hiếm gặp ở các loài chim.


Màu sắc tuyệt đẹp của cá thể chim khiến giới điểu học ngỡ ngàng. (Ảnh: John Murillo).

Nhóm nghiên cứu đã không quan sát thấy bất kỳ hành vi tán tỉnh nào của chú chim này trong suốt thời gian theo dõi. Nó có xu hướng giữ mình, và hoạt động như những thành viên khác trong loài.

Nhóm nghiên cứu cũng chưa thể tiếp cận để lấy mẫu máu và mô để nghiên cứu nhiễm sắc thể. Do vậy, họ chưa thể khẳng định điều gì đã xảy ra để tạo nên sự dị biệt của chú chim.

Mặc dù có nhiều giả thuyết về cách hình thành động vật có hình thái lưỡng tính, nhưng các nhà khoa học tin rằng điều đó có thể xảy ra ở loài chim khi tế bào trứng cái phát triển với 2 nhân.

Đối với động vật có vú, tế bào sinh dục đực thường có 1 bản sao của mỗi nhiễm sắc thể giới tính (X và Y), còn tế bào cái có 2 bản sao của nhiễm sắc thể X.


Chú chim có màu sắc kỳ lạ nhiều khả năng do ảnh hưởng của hiện tượng lưỡng tính. (Ảnh: John Murillo).

Loài chim thì ngược lại, với nhiễm sắc thể giới tính của chúng được ký hiệu là Z và W thay vì X và Y. Tại đó, tế bào trứng của con cái sẽ có một bản sao của mỗi nhiễm sắc thể (ZW) trong nhân, trong khi tinh trùng của con đực sẽ có hai nhiễm sắc thể Z.

Daniel Hooper, một chuyên gia nghiên cứu về chim, cho biết, hiện tượng lưỡng tính có thể xảy ra nếu một tế bào trứng cái phát triển với 2 nhân, gồm 1 nhân Z và 1 nhân W. Sau đó, nó được "thụ tinh kép" bởi hai tinh trùng mang nhiễm sắc thể Z, dẫn đến tạo nên hình thái đặc biệt.

Theo các nhà điểu học, nghiên cứu về lưỡng giới ở loài chim có thể mang đến những khám phá quan trọng, giúp chúng ta hiểu được giới tính sinh học, cũng như hành vi tình dục của chúng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất