Các nhà khoa học mới chỉ ra được cách sinh vật "bất tử" trên Trái đất đi cầu
Bất tử hay không thì đây vẫn là một loài động vật trên Trái đất. Mà đã là động vật thì phải "đi cầu" - đây là quy tắc ngàn đời không đổi.
Trong khi con người dành hàng thế kỷ để tìm phương thuốc trường sinh, thì có một loại sinh vật trên đời này gần như tiệm cận với khái niệm bất tử. Chúng là Tardigrade - hay con gọi là bọ gấu nước.
Loài bọ này nhỏ bé thôi - kích cỡ chỉ ở mức micromet, nhưng chúng lại có thể chống chọi được mọi điều kiện. Từ chân không trong vũ trụ, đến môi trường có áp lực gấp 600 lần áp suất khí quyển, thậm chí cả phóng xạ cũng không làm khó chúng. Và ngay cả khi môi trường không có nước hay thức ăn, chúng vẫn có thể sống thêm được 30 năm nữa.
Đây là cách sinh vật bất tử duy nhất trên thế giới... đi cầu/
Nhưng nhìn chung thì dù có bất tử hay không, bọ gấu nước vẫn chỉ là một sinh vật, có nghĩa là chúng cần... đi cầu. Và theo các nhà khoa học thì ngay cả câu chuyện tế nhị này, chúng cũng khiến tất cả phải bất ngờ.
Cụ thể thì mới đây, tiến sĩ Tessa Montague từ Khoa sinh học phân tử và tế bào của ĐH Harvard đã cho công bố một đoạn video hết sức thú vị. Nội dung của nó nói về cảnh một con bọ gấu nước đang làm cái việc "đại sự" mà chúng ta nhắc đến bên trên.
Và điều thú vị ở đây là: Bọ gấu nước có thể thải ra lượng phân có kích cỡ bằng 1/3 cơ thể. Nó thậm chí lớn đến mức con bọ phải dùng chân để đạp ra.
"Loài vật này luôn làm chúng ta phải ngạc nhiên" - Montague chia sẻ.
"Chúng tồn tại được ở khoảng nhiệt độ từ âm 270 đến 150 độ C, chịu được bức xạ ion cao gấp 100 lần mức gây chết người, và sống sót được ở môi trường chân không vũ trụ".
"Giờ thì đến... phân của chúng cũng khổng lồ luôn".
Bọ gấu nước đi cầu.
Trên thực tế, câu chuyện "đi cầu" của loài bọ gấu nước này vẫn là điều mà con người ít nắm bắt được. Chúng ta cũng chẳng biết bao lâu thì lũ bọ phải "đi" một lần nữa.
"Nhà khoa học đã tặng tôi mấy con bọ - Bob Goldstein cũng chưa từng thấy chúng đi cầu thế nào. Tôi đồ rằng chúng không thường xuyên làm điều đó".
Trong video, bạn có thể thấy màu sắc là đen - trắng. Nhưng kỳ thực, cục phân của bọ gấu nước có màu xanh lá cây. Điều này xuất phát từ việc chúng chỉ ăn tảo và thực vật mà thôi.
Dù nhìn khám phá này có vẻ chẳng có ích lợi gì, nhưng theo Montague thì từ những gì chúng thải ra, chúng ta có thể biết được hệ tiêu hóa của bọ gấu nước hoạt động như thế nào, qua đó xác định được cách chúng sống sót trong những môi trường khắc nghiệt.