Bí ẩn đằng sau sinh vật "bất tử" duy nhất trên Trái đất
Sinh vật này gần như không thể bị hủy hoại, có thể sống sót thoải mái trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Giờ đây, con người đã tìm ra bí ẩn đằng sau chúng.
Sinh vật này gần như không thể bị hủy hoại. Chúng sống được ở mọi môi trường, từ đáy đại dương đến đỉnh Everest.
Dù có bị "luộc" trong nước sôi 150 độ, hay dù có bị đóng băng ở "độ 0 tuyệt đối", chúng vẫn sống. Thậm chí vứt chúng ra ngoài vũ trụ - nơi có thể giết chết con người trong vòng 1 phút, chúng vẫn cứ thoải mái... làm "chuyện ấy" rồi đẻ con.
Tardigrade hay còn gọi là bọ gấu nước.
Đó là tardigrade, còn gọi là bọ gấu nước. Chúng là những sinh vật duy nhất trên Trái đất tiệm cận đến thuật ngữ "bất tử". Và nay, các chuyên gia đã tìm ra bí mật ẩn sau khả năng sinh tồn bá đạo của loài vật này.
Tiến sĩ Thomas Boothby từ ĐH Bắc Carolina - chủ nhiệm nghiên cứu cho biết: "Phát hiện lớn nhất của nghiên cứu lần này là loài gấu nước đã phát triển được các gene đặc biệt, cho phép chúng tồn tại trong điều kiện khô hạn nhất".
Protein mã hóa bởi các gene của loài vật này là độc nhất. Nó được đặt tên là TDP, theo chính cái tên của sinh vật dài chưa đầy 1mm ấy.
Trước kia, khả năng sinh tồn đáng sợ của gấu nước được cho là nhờ vào trehelose - 1 loại đường thường thấy trong cơ thể của loài tôm.
Khả năng sinh tồn đáng sợ của gấu nước được cho là nhờ vào trehelose.
Theo đó, loại đường này cho phép gấu nước có thể sống sót dù ở trong môi trường không có nước đến cả một thập kỷ. Nhưng không, tất cả là nhờ một loại gene độc nhất và là của riêng gấu nước.
Phát hiện này có ý nghĩa gì? Theo tiến sĩ Boothby, các thí nghiệm cho thấy TDP mang tác dụng tương tự cho các vật liệu sinh học khác: tế bào, vi khuẩn... Vậy nên, khoa học có thể sử dụng protein này để bảo vệ đất trồng khỏi hạn hán, bảo quản thuốc mà không cần làm lạnh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Cell.