Các nhà khoa học thảo luận về điện hạt nhân tại Việt Nam
Ngày 20-23/8, Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hạt nhân toàn quốc lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với sự góp mặt của 240 đại biểu ở 40 cơ quan, tổ chức trong nước và 28 đại biểu nước ngoài.
Trong số đại biểu nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Bungary, Mỹ, Angola, Thái Lan, có cả các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Văn phòng hợp tác vùng (RCA)...
Hai năm một lần, các nhà khoa học lại có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân trong nước, xác định mục tiêu, phương hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho thời gian tới.
Hội nghị lần này sẽ có một hội thảo mở về điện hạt nhân với sự tham gia của các chuyên gia về điện hạt nhân trong và ngoài nước cũng như một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân để thảo luận về tình hình triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân và khả năng hợp tác giúp đỡ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn, 2 năm qua, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta có nhiều tiến triển đáng ghi nhận. Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội thông qua tháng 6/2008, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được phê duyệt trong tháng 7/2009 và dự kiến được Quốc hội thông qua tháng 10 tới...
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến mong muốn, ngoài việc công bố và thảo luận các kết quả KH&CN, công trình nghiên cứu mới trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các nhà khoa học cần dành thời gian thảo luận, đề xuất mục tiêu phương hướng hoạt động KH&CN, góp phần xây dựng và hoàn thiện chương trình nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử từ nay đến năm 2020.
"Các nhà khoa học có mặt tại Hội nghị này sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, trao đổi về mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan trong nước, hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu ở nước ngoài, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong đó có cả các nhà khoa học Việt Nam đang định cư ở nước ngoài và sự giúp đỡ của các nước, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Dự án Trung tâm Quốc gia về Y học hạt nhân và xạ trị quân đội sẽ được khai trương vào đầu tháng 9/2009. Hai cơ sở gia tốc cyclotron tại Viện Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy đã hoạt động. Các trung tâm cyclotron tại Đà Nẵng và Kiên Giang đang tích cực được triển khai để sớm đi vào hoạt động. Các thiết bị xạ trị cũng được đầu tư mới ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Cần Thơ...
Các giống cây trồng đột biến phóng xạ đã được nông dân sử dụng và mở rộng diện tích gieo trồng. Các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, đóng tàu, xi măng, giao thông, xây dựng đã sử dụng các kỹ thuật hạt nhân phục vụ sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động. Các nghiên cứu cơ bản vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển tạo điều kiện xây dựng đội ngũ và là cơ sở cho phát triển bền vững ngành năng lương nguyên tử.