Cách ăn bột nghệ chữa bệnh hiệu quả

Pha loãng 2-3 thìa bột nghệ với 100 ml nước, uống trước và sau ăn 1-2 giờ, có thể thêm mật ong, sữa, với độ ngọt vừa phải.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thùy Linh, Đại học Y Hà Nội, tinh bột nghệ chứa chất curcumin có công dụng kháng viêm, chống oxy hóa và chống khuẩn. Ngoài tác dụng ngăn ngừa các bệnh ngoài da, uống tinh bột nghệ còn giúp giảm đau đầu, thải độc cơ thể, tăng khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng.

Nhiều người ăn bột nghệ để phòng chữa bệnh, nhất là đau dạ dày. Bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc Phòng khám đa khoa Phú Thọ cho biết, hiện thị trường có chủ yếu là tinh bột nghệ vàng và tinh bột nghệ tách tinh dầu. Tuy nhiên, bản chất tinh bột nghệ dễ bị vón cục nên dùng sai cách có thể dẫn đến tắc ruột, loét dạ dày và tử vong nếu không phát hiện kịp thời.


Pha loãng tinh bột nghệ vào nước ấm uống trước hoặc sau khi ăn một đến hai tiếng khi thức ăn đã tiêu hóa bớt. (Ảnh: Health).

Bác sĩ Thái khuyên nên uống bột nghệ trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn từ một đến hai giờ. Có thể dùng nước nguội để hòa tan bột nghệ trước rồi mới cho nước nóng khuấy đều cho bột tan hết. Ngày uống hai lần.

Để dễ uống hơn, bạn hòa hai đến ba thìa cà phê tinh bột nghệ pha loãng với mật ong và 100 ml nước sôi uống trước hoặc sau bữa ăn. Có thể pha thêm sữa tươi, sữa đặc với độ ngọt vừa phải. Ngoài ra, bột nghệ có thể nặn thành từng viên nhỏ mang theo để uống, phù hợp với những người bận rộn. 

Uống từ hai đến ba cốc bột nghệ một ngày giúp giảm đau dạ dày, phòng chống ung thư dạ dày, ung thư đường ruột. Người bị viêm khớp nên pha bột nghệ với sữa nóng uống ba lần mỗi ngày. Bột nghệ pha với nước ấm hoặc sữa, uống giảm đầy hơi khó tiêu hoặc đau bụng.

Lưu ý

Không dùng chung bột nghệ với thuốc tây để đề phòng trường hợp ảnh hưởng đến máu. Phụ nữ bị rong kinh kéo dài không nên dùng do tinh bột nghệ có tác dụng khai thông khí huyết, không thể chữa rong kinh. 

Không nên lạm dụng và uống quá nhiều tinh bột nghệ. Chất curcumin mặc dù có khả năng giảm viêm, chống oxy hóa nhưng dùng quá nhiều cùng có thể gây tác dụng phụ là buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, dẫn đến thiếu sắt ở bệnh nhân mẫn cảm.

Dùng curcumin liều cao còn kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisone, một chất có tính kháng viêm, do đó giảm khả năng kháng viêm của cơ thể.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất