Cái chết của vị Pharaoh cuối cùng
Nhóm các nhà khoa học hôm qua vén màn bí mật về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Pharaoh Ai Cập Ramses Đệ tam.
Các nhà khảo cổ học và thực vật học thuộc các nước Ai Cập, Italy và Đức đưa ra kết luận sau khi nghiên cứu xác ướp có niên đại 3.000 năm của vị vua Ai Cập trên. Kết quả công trình nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Y học Anh British Medical Journal mới đây.
Hình ảnh xác ướp của Pharaoh Ai Cập Ramses Đệ tam
Hình ảnh ghi lại từ phương pháp chụp CT (chụp cắt lớp vi tính - có sự trợ giúp của máy tính) xác ướp cổ cho thấy, thanh quản và động mạch chủ của tử thi bị cắt đứt, gây ra vết thương rộng tới 70 mm và gần như chạm tới cột sống. Vết cắt sắc làm tổn thương nghiêm trọng phần mô mềm phía trước cổ.
Nhà khoa học Albert Zink, viện Nghiên cứu xác ướp và người băng EURAC Italy cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Ramses Đệ tam đã qua đời vì chính vết cắt chí mạng nói trên".
Hình ảnh ghi lại từ phương pháp chụp CT xác ướp.
Theo các tài liệu cổ, hai đối tượng bị nghi ngờ gây ra cái chết của vua Ramses Đệ tam là người vợ cay nghiệt Tiy và con trai đầy tham vọng là hoàng tử Pentawere. Giới khoa học cũng đề cập tới thủ phạm sát hại nhà vua có thể là tay chân của hoàng hậu tàn độc Tiy.
Sau một năm nghiên cứu kỹ xác ướp, nhóm nhà khoa học thấy vết thương trên cổ nhà vua được che giấu khéo léo bởi lớp vải quấn quanh xác ướp. Thực hiện khám nghiệm xác ướp, mới nhìn bề ngoài, nhiều người kết luận "không có dấu hiệu cho thấy tử thi bị tổn thương hay bất kỳ vết thương nào".
Nhà khoa học Zink nói: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện thấy những điều ngoài sức tưởng tượng. Một sự thật khủng khiếp xảy ra với vị vua Ai Cập".
Nhóm nghiên cứu cũng từng đưa ra giả thuyết cho rằng vết cắt xuất hiện sau khi vị hoàng đế này qua đời, như một bước trong quá trình ướp xác.
Vết thương trên cổ nhà vua được che giấu khéo léo bởi lớp vải quấn quanh xác ướp
Nhưng giả thuyết này ngay sau đó bị bác bỏ, vì theo nghiên cứu, kỹ thuật ướp xác thời Ai Cập cổ đại không có thủ tục trên và việc bảo toàn tử thi nguyên vẹn rất quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại, có chăng chỉ là việc thay thế các phần của cơ thể bằng các vật liệu khác, tránh xác ướp bị thối rữa.
Hoàng đế Ai Cập Ramses Đệ Tam trị vì từ năm 1188 đến năm 1155 trước Công nguyên, ông được đánh giá là vị vua anh minh, và có tài chỉ huy quân sự.