Campuchia phát hiện hóa thạch gỗ lâu đời nhất từ trước đến nay

Nhóm chuyên gia thuộc Bộ Môi trường Campuchia đã xác nhận tìm thấy mẫu hóa thạch gỗ có niên đại khoảng từ 250 triệu đến 300 triệu năm tại khu bảo tồn núi Phnom Kang Va gần thành phố Serei Sophorn thuộc tỉnh Banteay Meanchey. Đây là mẫu hóa thạch gỗ có niên đại lâu nhất từng được phát hiện tại Campuchia từ trước đến nay.


Campuchia phát hiện hóa thạch gỗ lâu đời nhất từ trước đến nay. (Ảnh: Bộ môi trường CPC).

Trưởng nhóm chuyên gia, ông Lim Vannachan, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa thuộc Tổng cục Cộng đồng địa phương, Bộ Môi trường Campuchia cho biết, ngoài mẫu hóa thạch gỗ nói trên, các chuyên gia còn phát hiện những mẫu hóa thạch sinh vật biển ở khu vực khai quật. Điều này cho thấy, các mẫu hóa thạch có thể thuộc về những loài thực và động vật sinh trưởng trong thời kỳ khu vực trên còn là một hòn đảo thuộc Kỷ nhị điệp (Permi) cách đây khoảng 300 triệu năm và là giai đoạn cuối của Đại cổ sinh (Paleozoic).

Trước đó, các chuyên gia đã phát hiện được 14 mẫu hóa thạch gỗ tại Campuchia, thuộc địa bàn các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear, Koh Kong, và Banteay Meanchey.

Năm 2022, một nhóm chuyên gia Campuchia và quốc tế cũng đã khai quật được những mẫu hóa thạch khủng long đầu tiên, tại khu bảo tồn Koh Por ở tỉnh Koh Kong. Những mẫu hóa thạch này được cho là thuộc về nhóm khủng long khổng lồ cổ dài (Sauropod).

Việc khai quật và nghiên cứu các mẫu hóa thạch tại những khu bảo tồn nằm trong chiến lược bảo vệ môi trường của Campuchia, tập trung vào phát triển xanh, sạch và bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất