Cận cảnh cá heo bạch tạng cực hiếm ở Địa Trung Hải
Các nhà nghiên cứu hải dương học ở Croatia vừa tiết lộ việc họ đã phát hiện một con cá heo bạch tạng cực hiếm, chưa từng được ghi nhận trước đó như thế nào.
>>> Phát hiện cá heo bạch tạng cực hiếm
Sinh vật có vú cực hiếm nói trên được phát hiện đang bơi ở vùng biển Địa Trung Hải, giữa Croatia và Italia. Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho nó là Albus.
Theo các chuyên gia, Albus dường như là con đực và đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Người ta nhìn thấy nó lần đầu tiên ở khu vực biển ngoài khơi vùng ngoại ô thành phố cảnh Ravenna, miền đông Italia.
Phát ngôn viên của tổ chức môi trường Croatia Plavi Svijet cho biết: "Chúng tôi đã quan sát được một con cá heo mũi chai bạch tạng vô cùng hiếm. Nó dường như là con cá heo bạch tạng đầu tiên được bắt gặp ở vùng biển Adriatic và cả Địa Trung Hải.
Khi chúng tôi chạm trán với Albus, nó đang đi cùng một con cá heo mũi chai màu sắc bình thường. Chúng cùng nhau bơi và bắt cá, gần như phớt lờ chúng tôi".
Cá heo mũi chai thường có màu xám, nhưng một đột biến gene đã khiến những cá thể bạch tạng có màu da trắng và đôi mắt hồng. Một chuyên gia giải thích, cá heo bạch tạng không thiểu năng hoặc yếu hơn những cá thể cùng loài bình thường khác, nhưng màu sắc khác thường có thể khiến chúng dễ bị các động vật ăn thịt tấn công hơn.
Các nhà khoa học tin rằng, trên thế giới hiện chỉ có khoảng 20 con cá heo bạch tạng trong tự nhiên. Họ cảnh báo mọi người không nên cố gắng lần theo dấu vết hoặc theo dõi Albus, vì sinh vật đáng sợ duy nhất đối với một con cá heo ở vùng biển Địa Trung Hải là con người.