Cận cảnh khoảnh khắc hiếm thấy khi mực ống con nở ra từ trứng
Đoạn video ghi lại cận cảnh khoảnh khắc hiếm thấy khi mực ống đẻ trứng và quá trình mực con chui ra từ trứng có thể khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Mực ống trưởng thành có thể dài từ 10 đến 17cm, trong đó mực đực thường có kích thước lớn hơn con cái. Mực ống có 8 cánh tay và 2 xúc tu dài hơn, được trang bị các giác hút ở đầu các xúc tu.
Nhờ vào các tế bào sắc tố trên da, màu sắc trên cơ thể mực ống có thể thay đổi tùy thuộc vào tâm trạng hoặc để ngụy trang khi gặp nguy hiểm. Thức ăn chủ yếu của mực ống là các loài phù du, động vật thân mềm nhỏ hoặc đôi khi ăn những loài cá bé hơn kích thước của chúng.
Vòng đời của mực ống trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, con non và trưởng thành. Mực ống có tuổi thọ từ 6 đến 8 tháng.
Cận cảnh quá trình đẻ trứng của mực ống cái. (Video: NFF).
Trứng của mực ống thường được đẻ trên nền đáy cát ở độ sâu từ 10 đến 50m. Con cái sẽ đẻ hàng trăm quả trứng, dính vào nhau thành từng chùm và dính vào một vị trí cố định nào đó. Trứng mực được bao bọc trong nhiều lớp vỏ bằng protein.
Trong mùa sinh sản, nhiều cá thể mực cái có thể đẻ chung trứng tại một vị trí, tạo thành những luống trứng mực kích thước lớn dưới đáy đại dương.
Trứng mực mất từ 3 đến 8 tuần để nở hoặc sớm hơn nếu sinh sản trong khu vực nước ấm. Trứng mực sẽ tự nở mà không cần ấp. Ấu trùng mực ống có kích thước khoảng 2mm và sẽ lập tức bơi lội trong nước biển ngay sau khi nở.
Cận cảnh khoảnh khắc hiếm thấy khi mực ống con nở ra từ trứng.
Ấu trùng mực phải nhanh chóng học cách săn mồi ngay sau khi nở. Những con mực non này sẽ ăn các loài giáp xác chân chèo và các sinh vật phù du khác trong những tháng đầu đời của chúng.
Khi được 2 tháng tuổi, mực non đã đủ khỏe để có thể bơi thành đàn. Những con non này tạo thành nhóm hàng chục cá thể và bơi nhiều nơi để tìm kiếm thức ăn. Mực non đến độ tuổi này đã có thể săn mồi bằng xúc tu, tương tự như những cá thể trưởng thành.
Khi đạt 4 đến 6 tháng tuổi, mực đạt độ tuổi trưởng thành và đã có thể giao phối để sinh sản.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về việc mực ống cái có chết ngay sau khi đẻ trứng hay không, bởi lẽ nhiều xác mực trưởng thành thường được tìm thấy gần các ổ trứng. Hiện vẫn chưa rõ mực ống cái sẽ tiếp tục sống trong bao lâu sau lần đẻ trứng đầu tiên và sẽ đẻ bao nhiêu lứa trứng trong vòng đời của mình.
- "Vị nha sĩ" ẩn cư dưới đáy đại dương và cái duyên kỳ ngộ hiếm có khó tìm của anh chàng thợ lặn may mắn
- Ngư dân Anh bắt được tôm hùm xanh siêu hiếm
- Mục sở thị cá mặt quỷ "đột biến" ở đảo Lý Sơn