Cần gì lên sao Hỏa cho xa, ngay ở Trái đất cũng có 50 loài "quái vật ngoài hành tinh" này đây (Phần 2)

Theo Viện khoa học Trái đất của Đại học Columbia, các nhà khoa học biết về không gian ngoài vũ trụ còn nhiều hơn những gì dưới đại dương ngay trên hành tinh của chúng ta. Vì vậy, dưới đại dương cũng còn rất nhiều sinh vật bí ẩn không kém những gì ta liên tưởng về sự sống ngoài hành tinh.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Dalhousie ở Nova Scotia, Canada tin rằng 91% loài động vật biển vẫn chưa được biết đến. Trong số 235.000 loài mà chúng ta biết, nhiều loài đã thích nghi với môi trường sống của chúng với thói quen ngụy trang, phát quang sinh học và giao phối đặc biệt - dẫn đến một số có vẻ ngoài độc đáo, số khác thì có khuôn mặt "chỉ mẹ chúng mới thương nổi".

Đây là danh sách tiếp theo của 50 sinh vật biển kỳ lạ nhất.

26. Họ cá hàm (Jawfish)

Loài cá này trông như chúng đang nôn mửa, nhưng những gì bạn thấy chính là quá trình giao phối kỳ lạ của cá hàm, một loài có nguồn gốc từ các rạn san hô ở biển Caribe và phía tây Đại Tây Dương. Ngoài việc sử dụng hàm để xúc cát, những con đực còn sử dụng chiếc miệng khổng lồ của chúng để mang trứng cho đến khi chúng nở. Những lần khác, miệng của chúng giống như vũ khí, được sử dụng trong các trận đấu.

27. Giun Vigtorniella

Khi một con cá voi chết và xác nó chìm xuống đáy biển, đó sẽ là một bữa tiệc thịnh soạn cho loài giun Vigtorniella mới được phát hiện này, chúng được tìm thấy ở độ sâu khoảng 800 m ở Vịnh Sagami, Nhật Bản.

28. Cá mập Goblin

Cá mập Goblin có vẻ ngoài cực kỳ đáng sợ. Sinh vật siêu hiếm này có thể dài tới 4,5 m và có khả năng hất toàn bộ hàm ra ngoài để bắt con mồi. Chưa đến 50 con cá mập goblin được phát hiện kể từ năm 1898, vì vậy nếu bạn hy vọng có thể tận mắt nhìn thấy một con, cơ hội là rất nhỏ.

29. Tôm hùm có cặp càng khủng khiếp

Chúng có tên khoa học là Dinochelus ausubeli vì bộ càng khủng khiếp đáng sợ, được đặt theo tiếng Hy Lạp, “dinos” nghĩa là “đáng sợ” và “chela” là “càng”. Loài tôm hùm này bị mù và nằm trong một danh sách rất nhỏ các anh em họ hàng trong chi Thaumastochelopsis.

30. Nhện biển Pycnogonid

Được tìm thấy ở Nam Cực, cũng như hải mã và hải long, nhện pycnogonid đực sẽ mang trứng và chăm sóc con non. Nó hầu như không có bụng, nhưng có sải chân dài khoảng 25 cm, có kích thước tương đương với một số loài nhện lớn nhất trên cạn, như loài tarantula Goliath ở Nam Mỹ.

Dù "nhện biển" không phải là nhện thật, hoặc thậm chí không nằm trong lớp arachnid, nhưng chúng thuộc lớp chelicerates, được cho là gần với lớp nhện hơn là các nhóm động vật chân đốt nổi tiếng khác, chẳng hạn như côn trùng hoặc động vật giáp xác. Tuy nhiên điều này vẫn còn gây tranh cãi.

31. Cá chiêm tinh (Whitemargin Stargazer)

Có lẽ là loài cá duy nhất có thể cạnh tranh với cá blobfish cho danh hiệu sinh vật xấu xí nhất dưới biển, loài cá Whitemargin Stargazer là một loài săn mồi sử dụng gai độc có rãnh kép phía trên vây ngực của nó để đốt con mồi.

Như thể vẫn chưa đủ, stargazer còn có các cơ quan điện, được chứa trong một chiếc túi đặc biệt sau mắt, cho phép nó đốt con mồi với cường độ lên tới 50 volt. Stargazer dành phần lớn thời gian của mình để vùi mình trong cát, chỉ có đôi mắt lồi lên về phía bề mặt, như thể đang ngắm những vì sao, do đó nó được đặt cái tên như vậy.

32. Bạch tuộc Dumbo

Loài bạch tuộc Grimpoteuthis này, được tìm thấy trên vùng Sống núi giữa Đại Tây Dương (Mid-Atlantic Ridge), được gọi trìu mến là Dumbo, theo nhân vật hoạt hình chú voi con có đôi tai to nổi tiếng, vì cách nó vỗ những chiếc vây giống như đôi tai to bự của mình để bơi. Bạch tuộc Dumbo được biết đến là loài sống sâu nhất trong các loài bạch tuộc, vì chúng sống ở độ sâu ít nhất là 4.000 mét, nhưng thường sống thậm chí còn sâu hơn thế nữa. Bởi vì những con bạch tuộc này rất hiếm, chúng đã phát triển các thói quen sinh sản độc đáo để tăng cơ hội sinh con. Ví dụ, những con cái mang trứng ở các giai đoạn phát triển khác nhau và thậm chí có thể lưu trữ tinh trùng bên trong cơ thể chúng trong một thời gian dài sau khi giao phối.

33. Sứa Hydromedusa Bắc cực

Loài sứa này có tên khoa học là Bathykorus bouilloni, thường được các nhà nghiên cứu thấy ở vùng nước sâu của Bắc Cực, khoảng 1000 m. Họ hydromedusae rất rộng lớn, trên thực tế, chúng tạo thành nhóm cnidarian lớn nhất ở biển. Tuy nhiên, có kích thước chỉ vài mm đến vài cm khi phát triển tối đa, chúng nhỏ hơn nhiều so với các sứa thông thường. Nhưng điều thực sự khiến chúng khác biệt với sứa thường là hệ thống sinh sản của chúng: Hydromedusae sản xuất cả tinh trùng và trứng bên ngoài cơ thể, bên dưới thân mình của chúng.

34. Cá rồng béo phì (Obese dragonfish)

Bạn không nên “body shame” người khác, nhưng nghiêm túc mà nói, cá rồng béo phì chắc chắn sẽ không phản cảm với tên gọi của nó, không có gì đáng xấu hổ khi là một trong những loài lớn nhất trong họ Melanostomiidae. Theo Bảo tàng Úc, những sinh vật sống ở vùng nước sâu này có cơ thể đen nhẵn, không vảy, có răng to giống như răng nanh, cùng với một chiếc cằm dài và một loạt các tế bào quang điện tạo ra ánh sáng dọc theo cơ thể và phía sau cả hai mắt. Phần lớn, chúng sống ở các vùng biển xung quanh Úc, nhưng cũng có thể được tìm thấy ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

35. Ốc thủy nhiệt (Hydrothermal Vent Snail)

Một loài ốc sống ở miệng phun thủy nhiệt khác, loài ốc có tên khoa học Alviniconcha này được tìm thấy tại những miệng phun thủy nhiệt ở núi ngầm Suiyo thuộc Tokyo. Đây là cá thể duy nhất thuộc loại này từng được phát hiện.

36. Cá lon mây đốm đỏ (Red-Spotted Blenny)

Những con cá ăn tảo này chủ yếu sống hòa bình với loài khác, nhưng khi nói đến các thành viên khác trong loài của chúng — hoặc ít nhất là những con không phải là bạn tình của chúng — thì Red-Spotted Blenny có thể trở nên hung dữ. Đôi khi chúng cắn hoặc tấn công những con cá Red-Spotted Blenny khác gần đó; chúng thậm chí có lúc gặm san hô và trai. Môi trường sống bản địa của chúng là dọc theo các rạn san hô ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

37. Cua nhện Nhật Bản

Những con cua khổng lồ này, như tên gọi của chúng, có nguồn gốc từ Nhật Bản và được coi là món ngon trên khắp đất nước. Những con cua này có thể dài tới 3,5 m và chúng không kén ăn. Trên thực tế, loài cua nhện Nhật Bản được cho là thích ăn xác của các loài động vật biển khác vì điều đó có nghĩa là chúng không phải tự tốn công săn bất cứ thứ gì.

38. Cá Fringehead

Khuôn mặt lúc bình thường của loài cá này trông đã khá là kì cục nhưng khi phát hiện ra con mồi, mặt của chúng nhanh chóng “biến dạng”. Khi con mồi chỉ còn cách vài gang tay, nó mở to miệng hết cỡ, lúc này trông nó như một quái vật đang lao đến, chúng cũng làm như vậy để bảo vệ lãnh thổ. Chúng có thể phát triển dài đến 30 cm và thường sống ở độ sâu từ 3 đến 80 m.

39. Cá nóc nhím

Tương tự như người anh em họ của mình là cá nóc, cá nóc nhím có khả năng nuốt nước để phồng cơ thể thành quả cầu khi bị đe dọa, chúng còn được bao phủ bởi những chiếc gai. Điều này rất hữu ích vì những kẻ săn mồi không thể nuốt được một con cá nóc nhím khi nó phồng lên. Ngay cả khi một kẻ săn mồi cố gắng nuốt chửng nó trước khi nó có cơ hội phồng lên, loài cá này vẫn mang trong mình chất độc ảnh hưởng hầu hết các loài cá săn mồi, có nghĩa là nó không phải là một món ăn ngon miệng.

40. Cá mập thảm

Với thân hình dẹt và nhiều tua trên mặt, cá mập thảm (Eucrossorhinus dasypogon) thường nằm bất động trên đáy biển và hòa lẫn vào môi trường xung quanh để rình mồi. Khi con mồi tiềm năng bơi tới gần, nó tấn công với tốc độ nhanh như tia chớp.

Do cá mập thảm là kẻ săn mồi thực dụng, chúng sẵn sàng bắt các con mồi mà chúng gặp, kể cả những đồng loại. Không ít lần các nhà khoa học đã chứng kiến loài háu ăn này nuốt những con vật to lớn hơn như cá mập mèo. Loài này đạt chiều dàii đến 1,8 m và chúng thường sống trong các rạn san hô ở cả vùng nước ven bờ và ngoài khơi, từ vùng triều đến nơi có độ sâu khoảng 50 m.

41. Lysianassoid Amphipod

Một trong nhiều loài amphipod (giáp xác mềm) mới được phát hiện, loài Lysianassoid này sinh sống ở vùng biển gần Đảo Voi ở Nam Cực. Giống như các loài giáp xác nhỏ bé khác, amphipod là nguồn thức ăn dồi dào cho các sinh vật lớn hơn ở sâu.

42. Bút biển (Sea Pen)

Bút biển cam, Ptilosarcus gurneyi, thực sự bao gồm một tập đoàn sinh vật gọi là polip, tạo nên hình dáng giống như cái bút. Chúng có thể rút vào lớp trầm tích mềm. Có hơn 300 loài bút biển, được đặt tên vì vẻ ngoài giống bút lông của chúng. Khi được kích thích, chúng phát sáng lân quang. Chúng có thể sống trong môi trường khắc nghiệt, hơn 600m dưới bề mặt biển.

43. Metapseudes

Loài Metapseudes này được tìm thấy trong các nghĩa địa san hô ở Ningaloo, Tây Úc. Nó là một loài arthropod (động vật chân đốt), có nghĩa là nó có phần liên quan đến côn trùng, động vật giáp xác, nhện, bọ cạp và rết. Các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về loài này và đang có tranh cãi rằng liệu nó có phải một loại mới hay không.

44. Hải quỳ bắt ruồi (Venus Flytrap)

Loài hải quỳ này được xem là “bản sao dưới nước” của cây bắt ruồi, thuộc giống Actinoscyphia được tìm thấy ở Vịnh Mexico. Sinh vật này đóng các xúc tu của mình để bắt con mồi hoặc để thoát khỏi những kẻ săn mồi

45. Tunicate

Sinh vật này trông giống một loại cây ma quái trên các hành tinh trong bộ phim khoa học viễn tưởng. Thực ra, đây không phải là cây mà là một loài động vật, chúng có cách săn mồi vô cùng độc đáo.

Chúng cắm toàn thân sâu dưới đất, đợi chờ con mồi đi qua rồi há miệng để nuốt con mồi. Nhờ vô số sợi đốt có chất độc trong miệng, con mồi nhanh chóng tê liệt và trở thành thức ăn ngon lành cho chúng. Ngoài ra khi không có đồng loại xung quanh để giao cấu, sinh vật kì dị này còn có thể tự giao phối để tạo ra những thế hệ tiếp theo. Chúng thường sống ở độ sâu hơn 200m.

46. Cá nóc sừng gai lưng (Thornback Cowfish)

Về mặt kỹ thuật là một loại cá nóc hòm, loài này có sừng trên đỉnh đầu, nhưng không dùng chúng để tấn công. Tuy nhiên, trong môi trường căng thẳng - hoặc nếu nó chết - cá nóc sừng gai lưng có thể trở nên độc hại.

47. Cá sói Đại tây dương (Atlantic wolffish)

Loài cá rất kỳ lạ này có thân hình thuôn dài tương tự như cá chình moray. Kích thước của nó có thể đạt khoảng 1,5 m, trọng lượng 18 kg. Cái đầu to, đôi mắt lồi, đôi môi dày và những chiếc răng nanh nổi bật tạo cho nó một vẻ ngoài có phần quái dị.

48. Lợn biển (Sea pig)

Sinh vật kỳ lạ này sống ở độ sâu từ 6000 đến 9500 mét, có đặc điểm là cơ thể căng phồng, màu hồng nhạt, trong mờ, 7chân lớn và 4 nhú lưng dài. Loài này có tên khoa học là Scotoplanes, chúng ăn lớp trầm tích từ đáy đại dương. Những sinh vật này đôi khi bị ký sinh bởi các sinh vật khác như động vật chân bụng hoặc động vật giáp xác.

49. Cá mặt trời (Sunfish)

Như được lấy ra từ một bộ truyện viễn tưởng, con cá lớn này có cái đầu bao phủ một phần lớn cơ thể của mình. Chúng rất phổ biến với các thợ lặn và luôn gây chú ý. Cá mặt trời, hay còn gọi là Mola Mola, nặng trung bình một tấn và có thể dài tới 5 mét. Các ý kiến được phân chia theo khía cạnh: một số coi nó là đẹp và hùng vĩ, những người khác, ngược lại, cho rằng nó xấu xí. Chúng được đặt tên là cá mặt trời bởi người ta tin chúng tắm nắng trên mặt biển vì thường thấy chúng bơi ì ạch sát mặt nước.

50. Kẻ nuốt chửng (Black Swallower)

Black Swallower có khả năng nuốt chửng những con mồi lớn hơn nó rất nhiều lần nhờ phần ruột kéo dài gắn vào bụng. Sự thích nghi này đặc biệt hữu ích vì Black Swallower sống ở sâu và thức ăn có thể rất khan hiếm. Chúng có cơ thể dài, không có vảy và có màu đen nâu đồng nhất. Chúng sống ở độ sâu 700 – 2.745 m, độ dài tối đa được ghi nhận là 25cm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất