Cảnh báo biến chứng mới của bệnh cúm A tại Việt Nam
Khác với trước đây, bệnh nhân mắc cúm A còn có thể xuất hiện những triệu chứng về mặt thần kinh rất nặng nề.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh, tới cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do mắc cúm A, phải thở oxy, hỗ trợ khí rung, có nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, thở máy.
Đáng nói hơn, bệnh nhi này vốn có bệnh nền viêm phổi. Do đó, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đã khá nặng, cộng thêm cúm A khiến phổi tổn thương nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh.
Sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện địa phương không tiến triển, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé may mắn được điều trị tích cực kịp thời và không cần can thiệp ống nội khí quản, thở máy. Nếu tình huống này xảy ra, thời gian nằm viện và điều trị có thể phải kéo dài hơn rất nhiều.
Theo các bác sĩ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi này hiện được cải thiện và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhi 6 tháng tuổi tại Hà Tĩnh được bác sĩ hỗ trợ hô hấp trong quá trình điều trị. (Ảnh: TL).
Tuy nhiên, thông tin từ cơ sở y tế này cho hay đây không phải trường hợp duy nhất. Trong vòng 3 tuần qua, số trẻ mắc cúm A có biểu hiện xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh.
Cũng trong tình trạng tương tự, tại khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng bệnh nhân phải nhập viện do cúm A tăng cao bất thường so với những năm trước.
Cụ thể, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại đây, các bác sĩ phát hiện đến 20-25% trên tổng số bệnh nhân bị cúm A.
Không chỉ với trẻ nhỏ, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong khoảng 2 tuần gần đây cũng tiếp nhận tới gần 100 trường hợp mắc cúm A gồm cả thanh niên ở lứa tuổi 20-30 và người già.
Đáng nói, trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng. Không những vậy, các chuyên gia cũng thông tin biểu hiện của bệnh cúm A trong những năm gần đây đang có sự thay đổi theo hướng nguy hiểm hơn.
Biểu hiện mới về thần kinh
Trao đổi với báo chí, tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết biểu hiện cúm A thường thấy ở các trẻ nhỏ là sốt cao liên tục trên 38,5-39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, một số trường hợp còn có tình trạng co giật.
Tuy nhiên, vị chuyên gia thông tin diễn biến của bệnh cúm A ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với trước đây.
Ông nói: “Khoảng 10 năm trước, các bệnh nhân cúm A thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt. Ngoài ra không có các triệu chứng về thần kinh. Tuy nhiên, từ mùa cúm năm 2019-2020, chúng tôi đã ghi nhận có những triệu chứng nặng hơn rõ rệt về mặt thần kinh rất nặng nề”.
TS Hải nêu ví dụ các trường hợp mắc cúm A tới khám trong khoảng thời gian trên có thêm biểu hiện co giật với tỷ lệ lên tới 45%. Đáng chú ý, khoảng 6% trẻ nhỏ sau khi nhiễm virus cúm A có thêm biểu hiện viêm não.
Từ đây, ông nhận định cúm thường diễn biến lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục sau khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, nhất là những trường hợp có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nặng nề hơn, dễ xuất hiện biến chứng.
Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: TL).
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh: “Cúm mùa thường có diễn biến lành tính nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng nặng và nguy hiểm ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp”.
Theo vị chuyên gia này, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm mùa). Bệnh cúm A được gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9,…
Bệnh lây lan qua đường hô hấp, từ các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng,…
“Triệu chứng ban đầu của cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác khá tương tự nhau. Trẻ đều có thể sốt, viêm đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng,… Do vậy, cha mẹ thường rất khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không”, bác sĩ Thúy nhận định.
Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng ban đầu trên, vị chuyên gia cho rằng trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da, mắt xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ, mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng còn có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,…
Lúc này, cha mẹ cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp với tình trạng của từng trẻ.
Bệnh thay đổi, tiêm vaccine cũng cần "cập nhật"
Theo TS Đỗ Thiện Hải, ở những thời điểm dịch bệnh xuất hiện như hiện nay, với những bệnh có vaccine, cha mẹ nên xem lại quyển sổ tiêm chủng của con để xác định trẻ thiếu loại vaccine nào để đưa các bé đi tiêm chủng kịp thời.
Liên quan vấn đề này, TS Đặng Thị Thúy khẳng định ở thời điểm hiện tại, biện pháp phòng bệnh cúm A hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine phòng cúm chủ động. Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tức từ tháng 7 đến tháng 9).
“Lúc này, cơ thể sẽ kịp sản sinh kháng thể cần thiết trong việc chống lại virus gây bệnh”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, virus cúm A không ngừng biến đổi. Sau một năm, kháng thể cũng dần ít đi. Do đó, bác sĩ Thúy cũng khuyến cáo người dân nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Bệnh nhi cúm A được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: BVCC).
Về các biện pháp phòng bệnh khác, TS Hải khuyến cáo: “Với cúm A, khi một trẻ không may mắc bệnh, phụ huynh nên thông báo cho cô giáo hoặc những người quản lý tại nơi con sinh hoạt tập trung để các bạn khác có biện pháp phòng bệnh kịp thời. Ví dụ vệ sinh đường hô hấp bằng nhỏ mũi, súc họng nước muối… từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Trong khi đó, TS Thúy cho rằng cha mẹ cũng cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết theo từng lứa tuổi.
Việc giữ gìn vệ cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh cũng rất quan trọng.
Trẻ cần hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Trong khi đó, bố mẹ, nhà trường cũng phải thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày.
Bác sĩ Thúy tái khẳng định cúm A là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Do vậy, gia đình nên tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.
- Phát hiện sốc về Trái đất bằng kim cương từ "thế giới bên kia"
- 7 món ngon bị cấm mang lên tàu vũ trụ, thế này thì thiệt cho phi hành gia quá!
- Trung Quốc phát hiện dòng phụ của chủng nCoV tồi tệ nhất thế giới